Tờ Al-Masdar News dẫn một nguồn tin quân sự tại vùng căn cứ chiến lược của quân đội Syria ở Izraa cho hay, các chiến binh cực đoan thuộc lực lượng đối lập Hay’at Tahrir Al-Sham (HTS – nhánh của Al-Qaeda tại Syria) và đồng minh từ nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) đã đồng ý giao nộp lại hơn 20 thị trấn mà họ kiểm soát ở vùng Al-Lajat cho quân SAA.
Các nguồn tin cho biết, có nhiều nhóm phiến quân vẫn tiếp tục ở lại Al-Lajat để thỏa thuận thêm với quân Chính phủ Syria, trong khi đó có một số nhóm khác sẽ rời tới vùng Đông Nam của Daraa.
Đối với các phiến quân thánh chiến, đây là một đòn nặng giáng vào các tay súng, bởi vùng Al-Lajat từ trước tới nay đều nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng đối lập.
Hơn nữa, việc để mất vùng đất phía Đông Bắc Daraa càng làm gia tăng áp lực lên các tay súng đối lập ở toàn tỉnh này. Tại đây, những chiến binh cực đoan vốn đã phải chịu rất nhiều sức ép từ lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad trong nhiều ngày qua khi họ tăng cường các chiến dịch quân sự nhằm siết chặt vùng phía Nam trọng điểm của cuộc chiến.
Vùng Al-Lajat sẽ sớm nằm dưới sự kiểm soát của quân Chính phủ Syria, sau đó họ tiếp tục nhằm tới vùng Nassib ở biên giới Syria-Jordan và thành phố cổ Busra Al-Sham ở phía Đông Nam Daraa.
Hàng ngàn người dân đã phải rời khỏi các vùng do phiến quân chiếm đóng ở bên trong và quanh thành phố Daraa. Đây là thành phố khởi điểm cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài ở Syria từ tháng 3/2011.
Trong những đoạn video do truyền thông Arab công bố cho thấy, trong vòng 24 giờ qua, với sự hỗ trợ của chiến đấu cơ Nga, máy bay của Syria đã không kích dữ dội vào các vị trí của phiến quân ở phía Nam đất nước. Địa điểm bị bắn phá dữ dội nhất là thị trấn Busra Al-Harir, theo các nguồn tin của phiến quân.
Quân đội Chính phủ Syria cho rằng các nhóm phiến quân đã phá hoại những nỗ lực hòa giải của chính quyền Damascus khiến họ phải tiếp tục sử dụng vũ lực để mang lại hòa bình cho vùng Daraa.
Chuyên gia quân sự Mahmoud Abdel Salam cho hay các nhóm phiến quân nổi dậy đã “cản trở hoặc sát hại một số nhân vật hòa giải của các bộ lạc nhằm phá hoại những nỗ lực hòa giải”.
Giáo sư khoa học chính trị Hilal Khashan từ Đại học Beirut (Mỹ) nói với tờ VOA rằng mục tiêu của quân Chính phủ Syria thông qua chiến dịch tại Daraa lần này là mở lại khu vực biên giới đối với Jordan, vốn đã bị đóng cửa trong nhiều năm qua.
“Một trong những mục tiêu chính của chiến dịch là hướng thẳng tới biên giới Jordan và mở lại khu tiếp giáp chính giữa hai nước, nhưng với thỏa thuận ngầm rằng quân Syria sẽ không tới gần ranh giới ngừng bắn (năm 1973) tại Cao nguyên Golan”, ông Khashan nói.
Chuyên gia tin rằng cả Israel và Nga đã đạt được một sự đồng thuận về chiến dịch hiện đang được thực hiện ở Daraa và nó cũng được chính quyền TT Mỹ Donald Trump đồng ý. Ông cho rằng Jordan cũng sẽ chấp nhận mở cửa lại vùng biên giới với Syria nhằm “cải thiện tình hình kinh tế khó khăn của nước này”.
Cuộc chiến kéo dài 7 năm ở Syria bắt đầu tại Daraa vào năm 2011, sau cuộc xung đột giữa lực lượng Chính phủ và một số thiếu niên khiến một vài người trong số họ thiệt mạng.