Cân điêu hoành hoành, song các cơ quan có trách nhiệm vẫn loay hoay đối phó, thậm chí đổ trách nhiệm sang nhau.
Khó thoát ma trận cân “điêu”
Trong khi đó, người tiêu dùng, dù bức xúc nhưng vì coi là “chuyện nhỏ” nên thường bỏ qua khiến vấn nạn này không thuyên giảm.
Chị H., cán bộ quân nhu, Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng, cho biết, nhiều lần mua của hàng rong hay chợ cóc, về cân lại đều thấy bị hụt 10 - 20% trọng lượng. Hôm sau đi chợ tìm hàng khác nhưng “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. “Mặc dù rất bực mình nhưng không lẽ lại đi kiện cáo? Mà không lẽ kiện cả chợ, biết đến cơ quan nào để kiện, liệu họ có kiểm tra, xử lý tới nơi tới chốn? Thôi thì đành chọn mua của người quen, may ra họ nể mà không gian lận”, chị H. bức xúc.
Người tiêu dùng khó thoát khỏi ma trận cân điêu tại các chợ. Ảnh: Đoàn Tân
Đây cũng là phản ứng phổ biến của người tiêu dùng trước vấn nạn cân “điêu”. Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Đỗ Gia Phan, xác nhận: “Chuyện người tiêu dùng mua phải hàng bị cân sai trọng lượng, ngang nhiên bị “móc túi” vốn tồn tại từ lâu. Chúng tôi liên tục nhận được khiếu nại của người tiêu dùng: mua cân cam bị bớt 2, 3 lạng, thậm chí mua gói bim bim cũng thấy lèo tèo không đúng trọng lượng nhà sản xuất công bố”.
Cũng theo ông Phan, không chỉ hàng mua ngoài các chợ, hàng công ty, hàng bán trong siêu thị cũng bị ăn bớt khối lượng như ghi trên bao bì tuy nhiên, hiện chưa có ai giám sát, quản lý nên mặc nhiên họ phải chấp nhận, cam chịu.
Ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, cho hay: 'Chúng tôi có nhận được phản hồi từ người tiêu dùng về việc bị ăn bớt, ăn xén khi mua hàng, nhất là tại các chợ cóc, hàng rong. Tuy nhiên chưa thể khắc phục tình trạng này và người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt'.
Biết bị thiệt vẫn cam chịu
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, chi cục trưởng Quản lý Thị trường Hà Nội: “Chưa có con số thống kê cụ thể các vụ xử phạt liên quan đến cân đong, đo, đếm gian dối nhưng chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, có phát hiện và xử lý tại các chợ đầu mối, thậm chí cả tại siêu thị, trung tâm thương mại”. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm một phần do người tiêu dùng… không hợp tác. “Nhiều trường hợp, thiệt hại ít, người tiêu dùng ngại khiếu nại, phản ánh nên vi phạm vẫn tiếp diễn”. Liên quan đến việc một số cơ sở chuyên cung cấp cân điêu tự chế, bà Mai khẳng định: “Sắp tới, lực lượng quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay”.
Biết bị cân điêu, nhiều người tiêu dùng vẫn cam chịu. Ảnh: Đoàn Tân
Trong khi đó, ông một cán bộ trong Ban chỉ đạo 127 Trung ương quan ngại, lực lượng quản lý quá mỏng, nên không thể kiểm soát nổi tình trạng này. Giải pháp tạm thời của cơ quan quản lý về đo lường là thử nghiệm đặt cân tại một vài chợ lớn nhưng vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả. Bởi người tiêu dùng chưa có thói quen kiểm tra lại, trong khi việc đặt cân đối chứng cũng tốn không ít chi phí trông coi.
Tại chợ Mai Động, khi chúng tôi đặt đề về vấn nạn cân 'điêu' khá phổ biến, bà Đỗ Thị Thoa, trưởng ban quản lý chợ này cho biết: “Chúng tôi không nhận được bất kỳ chỉ đạo nào từ trên xuống về việc này và chưa lần nào kiểm tra cân tại chợ của mình”.
Trong khi còn chờ các cơ quan chức năng trao quyền cho ban quản lý từng chợ. “Để giảm tải tình trạng này quan trọng nhất lúc này là phải giáo dục đạo đức cho người bán hàng trong việc cân đong”, bà Mai cho hay.
Theo Nghị định 54/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trường hợp vi phạm về đo lường bị phạt 5 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay gần như chưa có vụ vi phạm nào trong lĩnh vực này được phát hiện, xử lý tới nơi tới chốn. |
Tuấn Nghĩa