Lợi cả đôi bên
Gần đây dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước vụ việc cán bộ một số cơ quan Nhà nước móc ngoặc với doanh nghiệp để trục lợi. Cụ thể, trong một dự án bán đấu giá cao su để tạo quỹ làm đường tại Bình Phước, UBND tỉnh này đã tự ý giảm giá bán làm thất thu cho ngân sách Nhà nước trên 25 tỷ đồng. Được biết, trước đó, UBND tỉnh đã ký quyết định bán số cao su này với giá bình quân 353 triệu đồng/ha, nhưng không lâu sau đó lại chấp thuận giảm 30% so với giá khởi điểm. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra, việc tự ý giảm giá bán là tùy tiện vì đã không được bàn trong Thường trực UBND tỉnh và không báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.
Ảnh chỉ có giá trị minh họa.
Một vụ việc tiêu cực khác cũng xảy ra tại tỉnh này khi UBND tỉnh có quyết định giao trạm thu phí và chỉ định thầu quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh cho nhà đầu tư Đức Thành - Gia Lai. Tuy nhiên, đây lại là một đơn vị yếu kém về năng lực tài chính, kỹ thuật và có nhiều vi phạm trong quá trình quản lý tiền thu phí và thực hiện dự án.
Vì lợi ích của đôi bên, họ bất chấp quy định của pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng, chấp nhận gây thất thoát cho Nhà nước nhiều tỷ đồng, thậm chí làm thay đổi quy hoạch, kiến trúc của nhiều tỉnh, thành (đối với các dự án bất động sản hoặc cầu đường). Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn nạn tham nhũng đang biến tướng và ngày càng nguy hiểm.
Trao đổi với PV, TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương bày tỏ quan điểm: Tôi rất hoan nghênh đề tài của UBKTTƯ về tình trạng móc ngoặc giữa doanh nghiệp và quan chức các cấp. Đây là việc làm rất nghiêm trọng, dẫn đến tham nhũng, vi phạm pháp luật. Cần tiếp tục làm rõ thực trạng, công bố công khai và kiến nghị bổ sung, sửa đổi trong các quy định của pháp luật. Pháp luật các nước nghiêm cấm quan chức nhận lời đi ăn, nghỉ ngơi, nhận quà biếu có giá trị từ mức nhất định trở lên mà không khai báo.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, kiêm chủ nhiệm bộ môn Văn hoá doanh nghiệp (ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chuyện móc ngoặc giữa quan chức và các doanh nhân vì lợi ích cá nhân, gia đình, thân hữu hoặc phe nhóm, là tình trạng khá phổ biến. Điều đáng buồn là ở các nước tiên tiến người ta đã xây dựng được thể chế quản lý và văn hoá công vụ để bài trừ tệ nạn này, hạn chế nó ở mức tối thiểu, thì ở nước ta chưa làm được và còn những cán bộ, công chức e ngại đề cập đến thực trạng này.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, thực tế sẽ không dừng lại ở con số 40% doanh nghiệp đồng ý sử dụng mối quan hệ với quan chức để trục lợi. Ông phân tích: Có lẽ con số thực còn cao hơn vì tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng báo cáo phải chi tiền cho các mối quan hệ. Hiện tượng các cơ quan khác nhau vòi vĩnh, sách nhiễu doanh nghiệp rất phổ biến. Thể chế nào doanh nghiệp ấy, không doanh nghiệp nào thích mang tiền đi cống nạp trong khi họ phải chắt bóp từng xu một, nhưng nếu pháp luật không nghiêm, thì họ phải chấp nhận. Tình trạng này góp phần làm cho Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị tụt hạng từ 59 (2010) xuống 75 (2012) và các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chi phí cao, khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Tảng băng nổi, tảng băng chìm
PGS.TS Đỗ Minh Cương thẳng thắn nhận định, cần phải thừa nhận rằng, đây là một biểu hiện của tham nhũng khá phổ biến trong các lĩnh vực liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, tài chính, ngân hàng xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước công (kể cả giao thông, giáo dục, y tế), không còn là chuyện vài con sâu làm rầu nồi canh nữa, mà đã diễn ra ở quy mô không nhỏ, nhiều vụ có tổ chức tập thể, có biểu hiện của lợi ích ngành. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính sự suy thoái trong tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có chức, có quyền. Đây là một vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI gần đây.
Những hành vi trên đã vi phạm Điều lệ Đảng, luật Cán bộ, công chức của nước ta; nhiều vụ đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và Chính quyền, liên quan tới cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh như vụ việc ở Bình Phước thì nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu vi phạm kỷ luật đã bị miễn nhiệm và thay thế.
Mặc dù đã có những trường hợp bị xử lý cụ thể, nhưng theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, nói theo dân gian thì “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ còn hơi bị nhiều!”. "Theo tôi, con số 40% mà Thanh tra Chính phủ khảo sát năm 2012 cho biết về tỷ lệ các doanh nghiệp đã từng móc ngoặc, đi đêm với quan chức để trục lợi mới hé lộ một phần sự thật, thực tế có thể còn cao hơn nữa".
Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, muốn hạn chế tình trạng quan chức móc ngoặc với doanh nhân thì cần có những văn bản pháp luật quy định về mối quan hệ này, có những điều cấm và chế tài mạnh để ngăn ngừa nguy cơ cán bộ, công chức dùng ảnh hưởng từ chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và ngành của mình. Đồng thời, trong công tác tư tưởng, công tác cán bộ cần tiếp tục đề cao đức liêm chính, tính gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Cần thực thi, thực hành được các nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với nhân dân, nhất là trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, kinh doanh và các dịch vụ xã hội.
Đ.Thơm - P. Hạnh