Đây được xem là gói ngân sách quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Seoul nhằm đưa quân đội nước này trở thành lực lượng có sức mạnh chiến đấu hàng đầu châu Á. Gói ngân sách quốc phòng cho giai đoạn 2014-2018 đã được gửi đến Quốc hội nước này hôm 25/7/2013.
Gói ngân sách quốc phòng khổng lồ này sẽ tập trung xây dựng lá chắn tên lửa cũng như phát triển đòn tấn công phủ đầu nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sau khi được Quốc hội phê duyệt, BQP Hàn Quốc sẽ bắt tay vào kế hoạch từ tháng 1/2014.
Tàu khu trục KDX-III
Trong gói ngân sách 192,6 tỷ USD này, 63 tỷ USD sẽ được dành cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như phát triển đòn tấn công phủ đầu để nâng cao khả năng răn đe hiệu quả đối với Bình Nhưỡng. Dự kiến Hàn Quốc sẽ phát triển một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất mới đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.
Nguồn tin của hãng tin Yonhap cho biết, việc xây dựng lá chắn tên lửa sẽ mua sắm thêm các hệ thống radar cảnh báo sớm, hệ thống vệ tinh gián điệp, máy bay trinh sát không người lái độ bền cao có thể là RQ-4 Global Hawk.
Hàn Quốc đã phát triển một lá chắn tên lửa nội địa vào năm 2006. Hệ thống này được gọi là Hệ thống phòng thủ tên lửa trên không Hàn Quốc KAMD. Hệ thống này là sự kết hợp giữa hệ thống tên lửa phòng không PAC-2 Patriot và hệ thống radar cảnh báo sớm Green Pine của Israel.
Dự toán ngân sách mới sẽ mua bổ sung thêm một số hệ thống tên lửa phòng không PAC-2 cũng như nâng cấp các hệ thống hiện tại lên chuẩn PAC-3 để ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Một hệ thống phòng thủ tên lửa di động mới ADM Cell đã được lên kế hoạch để vận hành trong tháng này sau một thời gian chậm trễ.
Hệ thống phòng không KM Sam Chun Koong
ADM Cell sẽ tích hợp hệ thống cảnh báo sớm và theo dõi mục tiêu từ nhiều nguồn khác nhau như vệ tinh cảnh báo tên lửa DSP của Mỹ, hệ thống radar AN/SPY-1 trên tàu khu trục KDX-III cùng với hệ thống radar Green Pine trên đất liền để tạo nên một mạng lưới thống nhất.
Ju Chul-ki, Thư ký cao cấp của tổng thống phụ trách các vấn đề an ninh cho biết: “Chính phủ đang thúc đẩy các chương trình mua sắm vũ khí lớn bằng cách đảm bảo mức độ phù hợp của ngân sách quốc phòng. Chúng tôi đang nỗ lực để mua sắm các hệ thống vũ khí có khả năng phát hiện và tiêu diệt trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên”.
Lục quân Hàn Quốc đang có kế hoạch mua sắm số lượng lớn các xe tăng chiến đấu chủ lực K-2 nhằm thay thế cho xe tăng chiến đấu chủ lực K-1 và M48 đã lạc hậu. Mua sắm và xây dựng một phi đội trực thăng chiến đấu lớn trong vòng 5 năm tới.
Hải quân đang có kế hoạch đóng mới thêm các tàu khu trục tải trọng 5.000 tấn, tàu ngầm tấn công phi hạt nhân tải trọng 1.800 tấn. Mua sắm các tàu đổ bộ mới để đối phó với những căng thẳng liên quan đến tranh chấp biển đảo với Nhật Bản và Trung Quốc.
Không quân đang có kế hoạch mua sắm 60 tiêm kích thế hệ mới nhằm thay thế cho phi đội F-4, F-5 từ năm 2017 cũng như mua sắm một số máy bay tiếp nhiên liệu trên không để tăng phạm vi hoạt động cho các tiêm kích.
Theo kế hoạch phát triển sức mạnh quốc phòng mới khi hoàn thành quân đội Hàn Quốc sẽ đóng vai trò chủ chốt và các lực lượng của Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong một cuộc chiến tranh nếu có, loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào lực lượng quân sự Mỹ ở Hàn Quốc.
Với những kế hoạch mua sắm vũ khí hàng khủng nói trên, Hàn Quốc đang mong muốn trở thành một lực lượng quân sự có sức mạnh tác chiến hàng đầu khu vực châu Á. Mặc dù mọi kế hoạch tăng cường sức mạnh quốc phòng đều hướng đến Triều Tiên nhưng không khó để nhận ra rằng Seoul có những tham vọng lớn hơn thế rất nhiều.
Minh Tâm (theo Defence-update)