Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký kết một thỏa thuận vào ngày 17/9 để thiết lập vùng đệm ngăn cách phe đối lập vũ trang và các khu vực do chính quyền Assad kiểm soát ở Idlib.
Theo thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10, khu vực phi quân sự sẽ trải dài từ 15 đến 20km, trong đó vũ khí hạng nặng, bao gồm pháo binh, xe tăng và bệ phóng tên lửa sẽ phải rút toàn bộ khỏi đây.
Tuy nhiên, do những điều khoản trong thỏa thuận chưa được hoàn thành cùng với những tính toán nhằm xoay chuyển tình thế trong trường hợp cam kết sụp đổ, lực lượng quân đội Syria và các lực lượng dân quân liên minh tiếp tục bao vây các khu vực của phe đối lập vũ trang với pháo binh và súng trường ở tỉnh Idlib, vùng nông thôn phía Bắc của Hama, vùng nông thôn phía Tây Aleppo và núi Turkmen ở vùng nông thôn Latakia.
Quân đội Syria Tự do (FSA) đã phản ứng bằng cách triển khai hỏa lực đáp trả vào các mục tiêu của quân Chính phủ ở phía Đông Idlib hôm 2/11. Phe đối lập đã cáo buộc các lực lượng quân Chính phủ và lực lượng dân quân liên minh tiếp tục vi phạm thỏa thuận.
“Các động thái vi phạm của chính quyền Assad diễn ra hầu như hàng ngày. Oanh tạc đang diễn ra tại các thị trấn và làng mạc trong lãnh thổ phe đối lập bằng tên lửa và xe tăng”, Mostafa Bakkour, chỉ huy của quân đội Al-Aza - một nhánh của FSA - nói với Al-Monitor.
Naji Mustafa, người phát ngôn cho Mặt trận Giải phóng Quốc gia trực thuộc FSA, nói với Al-Monitor: “Quân đội của chính quyền đã không ngừng nhắm vào các khu vực của chúng tôi ở Idlib và quanh nơi chiếm đóng của phe đối lập. Họ thực hiện pháo kích hàng ngày với pháo hạng nặng, súng máy và cố gắng cản trở nỗ lực duy trì thỏa thuận ngừng bắn và thực hiện thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự. FSA đang phản ứng bằng cách triển khai hỏa lực súng máy để đáp trả vì vũ khí hạng nặng đã bị loại bỏ theo thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ”.
Về phần mình, trong một cuộc họp báo ngày 31/10, người phát ngôn của bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng thỏa thuận Idlib về việc thành lập một vùng đệm đang được triển khai. Ông cũng cho biết, đã có "tổng cộng 2.450 chiến binh và 206 thiết bị quân sự bị loại khỏi khu phi quân sự".
Konashenkov nói thêm rằng sự chậm trễ trong việc thiết lập một vùng phi quân sự được ấn định vào ngày 15/10 là do Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ “các điều khoản đã đề ra”. Tuy nhiên, ông nói thêm, “Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực đáng kể cho mục đích này”.
Theo thỏa thuận vùng đệm Idlib của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Ankara sẽ có nhiệm vụ đưa các nhóm chiến binh cực đoan ra khỏi vùng phi quân sự. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được thực hiện xong.
Các nhóm chiến binh chính phải rút lui khỏi vùng đệm bao gồm Hayat Tahrir al-Sham (HTS, trước đây là Jabhat al-Nusra) và Tổ chức Người bảo vệ Tôn giáo, có liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, không những không rút khỏi khu phi quân sự, HTS còn xâm phạm vào vùng đệm ở phía Bắc Latakia lần đầu tiên kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Nhóm xâm phạm này có mặt của Abu Malek al-Talli, một trong những lãnh đạo của HTS và các chiến binh Chechnya. Bước đi của HTS dường như là một hành động bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia muốn họ rút lui càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, HTS còn tấn công một vị trí của quân Chính phủ vào ngày 1/11 và giết chết 10 binh sĩ trong vùng đệm gần thị trấn Abu al-Dhour ở phía Đông Idlib.
Vào ngày 27/10, HTS tiến hành các cuộc diễn tập quân sự cấp cao ở phía Nam Idlib, sau khi vùng đệm được thành lập. Một lực lượng tinh nhuệ liên kết với HTS đã tham gia vào các cuộc diễn tập này với các chiến binh sử dụng cả vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ.
Một nguồn tin quân sự giấu tên của phe đối lập ở Idlib nói với Al-Monitor rằng:“Nếu các nhóm chiến binh không rút lui khỏi khu phi quân sự hoàn toàn trong hai tuần tới, phe FSA và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành đụng độ và buộc các nhóm này phải rời đi bằng vũ lực để đảm bảo việc thực hiện các điều khoản thỏa thuận của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Việc yêu cầu rút các nhóm chiến binh ra khỏi khu vực phi quân sự ở Idlib không phải là điều có thể thực hiện nhanh chóng. Nếu cố chấp ở lại, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Các phe phái FSA có thể sẽ tiến hành một cuộc đụng độ không dễ dàng cho họ. FSA và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hy vọng các nhóm này sẽ rút lui một cách hòa bình”, nguồn tin nói thêm.
Mặc dù phía Moscow và Ankara tỏ ra lạc quan về thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib, vẫn còn đó những thách thức cản trở cam kết đi đúng hướng. Với việc các nhóm cực đoan chần chừ trong việc rút khỏi nơi đây, quân đội Chính phủ sẽ còn tiếp tục bao vây Idlib để đề phòng trước nguy cơ sụp đổ. Điều này đồng nghĩa với việc, một chiến dịch quy mô lớn ở Idlib vẫn có nguy cơ xảy ra.