
Khói bốc lên ở thị trấn Nawa, cách Daraa khoảng 30 km về phía Bắc sau các cuộc không kích của lực lượng Syria hôm 27/6.
Chiến trường sinh tử
Cuộc nội chiến Syria đang bước vào một giai đoạn bùng nổ mới sau nhiều tháng chìm lắng. Sau khi đạt được nhiều thành công quân sự trong hai năm qua, chính quyền Tổng thống Bashar Assad, với sự hỗ trợ không quân của Nga, đang chuẩn bị chiếm lại lãnh thổ miền tây nam của đất nước.
Đây là một khu vực không chỉ có ý nghĩa về mặt biểu tượng (cuộc nổi dậy của phe đối lập chống lại chính quyền đã bắt đầu tại Daraa vào năm 2011) mà còn mang tầm quan trọng thực tiễn, vì nơi đây giáp giới với Jordan và Israel.
Tuần trước, lực lượng quân Chính phủ đã bắt đầu tấn công vào các mục tiêu ở phía đông bắc Daraa và chiếm lại nhiều cứ điểm quan trọng từ tay phiến quân.
Ở một diễn biến khác, cuộc không kích được cho là do Israel đứng đằng sau đã tiến hành gần sân bay Damascus. Các báo cáo cho rằng, mục tiêu của Tel Aviv là nhắm vào lô vũ khí được dỡ xuống từ một chiếc máy bay của Iran đã hạ cánh trước đó.
Tuy nhiên, chiến trường chính ở Syria vẫn đang lấy ngoại giao làm chủ đạo, thay vì quân sự, theo Haaretz. Trong khi quân Chính phủ đang chuẩn bị tấn công miền Nam, Nga đang cố gắng thuyết phục Mỹ ký vào những thỏa thuận ngoại giao.
Moscow muốn một thỏa thuận mà theo đó phiến quân sẽ tự nguyện rời khỏi vùng lãnh thổ miền Nam để cho các lực lượng của chính quyền Assad vào tiếp quản. Damascus cũng sẽ cam kết loại bỏ lực lượng Iran và dân quân Shi'ite khỏi những khu vực đó. Bản thỏa thuận cũng muốn Mỹ từ bỏ căn cứ Al-Tanf gần biên giới Iraq, mà chính quyền Trump vẫn còn đang cân nhắc.
Những động thái quân sự mới nhất ở miền Nam Syria có thể được coi là những bước đi có ý đồ chiến lược nhiều hơn là phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.
Trước đó hôm 26/6, quân Chính phủ đã mở rộng chiến dịch tiến tới giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ vùng tây nam. Các lực lượng Chính phủ đã chiếm được khoảng lãnh thổ rộng lớn, gồm các thị trấn Busra al-Harir và Malihat al-Atash ở đông bắc Deraa, giáng những đòn nặng nề cho nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra.
Mục đích của chiến dịch là giành lại cửa khẩu Nassib nằm ở biên giới giữa Syria và Jordan vốn nằm trong sự kiểm soát của phiến quân kể từ năm 2015. Theo hãng thông tấn SANA (Syria), quân Chính phủ đã tiêu diệt nhiều phần tử al-Nusra, phá hủy căn cứ, cắt đứt tuyến đường tiếp vận tới biên giới Jordan, thu được lượng lớn vũ khí.
Ngoài ra còn có một vấn đề khác liên quan đến người Druze (cộng đồng người có tôn giáo pha trộn từ Hồi giáo tới Thiên Chúa, Hindu…). Trong suốt hơn bảy năm chiến tranh, người Druze ở Syria luôn cố gắng tránh dây dưa vào xung đột, mặc dù ở một số khu vực họ đã hợp tác với Damascus.
Thành phố Sweida ở trung tâm vùng Jabal Druze là địa điểm nằm gần khu vực mà quân Chính phủ có kế hoạch khởi động cuộc tấn công vào Daraa. Tuần trước, thông tin từ phía Israel cho biết, hai tướng lĩnh của Nga đã tới Sweida và đề nghị các nhà lãnh đạo địa phương cung cấp hàng chục ngàn binh sĩ Druze cho cuộc tấn công của Damascus. Nếu từ chối, chính quyền sẽ xem xét Sweida là một khu vực thù địch.
Sự cân nhắc của Israel

Israel có thể chấp nhận quân đội Syria tiến gần biên giới để đánh đổi lấy việc lực lượng Iran rút khỏi nơi đây.
Đối với Israel, động thái mới nhất của Damascus cũng khiến nước này lo ngại. Tel Aviv có mục tiêu của riêng mình trong việc ngăn chặn tuyến đường cung cấp vũ khí cho Hezbollah và tiếp tục hành động chống lại sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria.
Cuối tuần trước, Reuters dẫn nguồn tin nói rằng Washington đã thẳng thừng thông báo với phiến quân ở miền Nam rằng không nên trông đợi vào sự bảo vệ của Mỹ một khi quân Chính phủ tấn công. Một câu hỏi lớn khác là Israel sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp này.
Israel muốn sự ổn định trên vùng biên giới của mình. Tuy nhiên Tel Aviv được cho là đang cân nhắc việc không phản đối quân đội Syria quay trở lại biên giới gần Cao nguyên Golan, nếu như đổi lại bằng việc Iran buộc phải rút khỏi khu vực này.
Trong những năm gần đây, Israel đã cung cấp thực phẩm, quần áo và hỗ trợ y tế cho cư dân từ các ngôi làng Sunni của Syria gần biên giới.
Một số báo cáo của truyền thông phương Tây cũng khẳng định Israel đã hỗ trợ cho lực lượng dân quân nổi dậy vũ khí và đạn dược. Israel từng phủ nhận điều này, nhưng gần đây những lời bác bỏ trên có vẻ ít dứt khoát hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá sẽ không có chuyện Israel mạo hiểm đưa lính sang để giúp đỡ phiến quân.
Có nhiều khả năng Israel sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng sẽ cố gắng có được một thỏa thuận đưa quân Chính phủ Syria trở lại khu vực biên giới bằng một thỏa thuận để loại bỏ lực lượng Iran và lực lượng dân quân Shi'ite ra khỏi nơi đây.