Mỹ trở lại, Nhật mài kiếm
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang dần dần trở thành trung tâm thu hút các dòng đầu tư chủ yếu về kinh tế, tài chính của thế giới. Ở khu vực này cũng tập trung sức mạnh quân sự đáng kể. Vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ góc độ phát triển kinh tế thế giới và cạnh tranh chiến lược của các cường quốc không ngừng tăng lên.
Hoa Kỳ 3 năm trước đã tuyên bố công khai về chiến lược “Sự trở lại châu Á”, và đang ráo riết điều chỉnh chiến lược an ninh của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2012, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch tái bố trí binh lực, quyết định di dời ở quy mô lớn lực lượng hải quân của mình từ Châu Âu - Đại Tây Dương sang khu vực châu Á-Thái Dình Dương.
Mỹ đang ráo riết tái bố trí binh lực theo chiến lược xoay trục sang châu Á với mục tiêu rất rõ ràng.
Nhật Bản vẫn là đồng minh đặc biệt quan trọng của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái bình dương, và trong tương lai vai trò của nước này chắc chắn sẽ tăng lên. Trong bối cảnh vai trò địa chính trị của Hoa Kỳ đang suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu thì địa vị của nước Nhật đang chuyển từ một quốc gia được Mỹ bảo trợ về quân sự trước đây thành một đồng minh sáng giá của các cường quốc phương Tây.
Chính giới Tokyo đã quyết định tăng cường, nâng cao sức mạnh quốc phòng nhằm đối phó với các thách thức an ninh nghiêm trọng mới phát sinh. Chính phủ của ông Shinzo Abe đã công khai ý định tiến hành cải cách hiến pháp, mà cụ thể là xem xét lại quy chế phát triển đầy đủ năng lực quân sự. Nước Nhật muốn có một quân đội riêng đúng nghĩa, đồng thời có khả năng kiềm chế hạt nhân nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Cả ở Nhật, cả ở Mỹ người ta kháng cáo các điều khoản của Hiệp định đơn phương San Francisco năm 1952 ngày càng thường xuyên hơn, nhằm xin tái thẩm những điều kiện hòa bình hậu Yalta.
Hiện nay tình hình thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng nhìn chung khá ổn định, mâu thuẫn giữa các nước tuy tồn tại nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, những diễn biến xung đột ngày càng quyết liệt, quả thật tình hình lúc này đang nóng lên một cách giả tạo, nhưng các nguy cơ của những cuộc xung đột khu vực đã trở nên nghiêm trọng. Dưới ảnh hưởng của “các mối đe dọa” âm ỉ và nóng lên, châu Á đang đứng trước nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc “chạy đua vũ trang” mới.
Đồng thời “tiền đặt cửa” trong trò chơi này rất cao: Châu Á không giống như bất kỳ châu lục nào khác trên thế giới, bị o ép hơn các lục địa kia bởi vũ khí hạt nhân. Và đã có những tiền đề để cho rằng sẽ diễn ra cuộc “chạy đua vũ trang” chính trong lĩnh vực hạt nhân. Cụ thể, việc sở hữu “vũ khí hạt nhân” của Bắc Triều Tiên sẽ “cởi trói” cho Hàn Quốc và Nhật Bản lâu nay đã tỏ ý sẵn sàng cho Mỹ bố trí các căn cứ hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Nhật đang xem xét lại chính sách quốc phòng, sửa lại hiến pháp để mở rộng quyền của quân đội. Mới đây nước này đã lần đầu tiên tuyên bố bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo nhằm 'chống xâm lược' quần đảo Senkaku.
Trung Quốc tất nhiên không thể không để ý đến nguy cơ đối với an ninh thế giới đang tăng lên. Mạnh lên và gây được ảnh hưởng lớn đồng nghĩa với việc giữ vững được vị trí của mình trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt. Các thách thức mới đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới về mặt quan niệm. Vào đầu tháng 4/2013 Hội đồng nhà nước CHND Trung Hoa đã công bố Sách Trắng “Hoạt động toàn diện của Các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, mà trong đó có rất nhiều điểm mới về lĩnh vực xây dựng nền quốc phòng tương lai của CHND Trung Hoa.
Trước hết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, kế hoạch quốc phòng của CHND Trung Hoa đã nêu rõ các nguyên tắc cơ bản đa dạng hóa việc sử dụng các lực lượng vũ trang. Chẳng hạn, quân đội Trung Quốc phải sẵn sàng không chỉ thực hiện sứ mệnh của mình trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn phải có khả năng giải quyết các yêu cầu nhiệm vụ của thời bình (ví dụ như nhằm phát triển kinh tế hoặc khắc phục hậu quả của những tình huống khẩn cấp). Việc đóng quân của các lực lượng vũ trang và cảnh sát được dự kiến sao cho có thể hỗ trợ sự phát triển của địa phương và của toàn thể quốc gia.
6 động thái mới của PLA
Ngoài ra Bắc Kinh còn công bố chiến lược quốc phòng tích cực, trong đó nêu ra định đề: “Nếu nước khác không tiến đánh chúng ta, có nghĩa là chúng ta cũng sẽ không tiến công họ. Nhưng tuy nhiên nếu họ thực hành tiến công chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ phản kích”. Chiến lược quốc phòng nhấn mạnh chủ yếu vào việc sẵn sàng đối phó với những cuộc xung đột quân sự khu vực. Bắc Kinh cũng hy vọng vào sự phối hợp hoạt động quân sự với các cường quốc khác và thực hiện các cam kết thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế, Ngoài ra, Hội đồng nhà nước CHND Trung Hoa cũng thông qua quan niệm an ninh tổng thể.
Thứ hai, lần đầu tiên trong một mục riêng của Sách Trắng, hoạt động củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu đã được mô tả một cách chi tiết. Cụ thể, Bắc Kinh hy vọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang “kiểu mới”, việc điều chỉnh và tối ưu hóa quân số của các quân, binh chủng.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) xây dựng hệ thống huấn luyện chiến đấu thường trực, củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu cơ bản trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tiến hành các cuộc tập trận phù hợp với mục tiêu này. Bộ đội căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ được giao, chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở cấp độ tương ứng-từ cấp độ 3 (thấp nhất) đến cấp độ 1 (cao nhất).
PLA coi việc tiến hành các cuộc diễn tập và cơ động, sát với điều kiện thực tế chiến đấu là phương thức hoạt động chủ yếu để hoán cải mô hình tập trận. Ngoài ra, các cuộc tập trận liên khu vực cũng sẽ được tiến hành. Chiến lược chuyển từ bảo vệ khu vực sang chiến thuật cơ động toàn diện đã được công bố. Vai trò ưu tiên được dành cho các cuộc tập trận ở hình thức nhiều bên đối đầu. Trong đó có sử dụng mô hình hóa trên máy tính, tiến hành rộng rãi các cuộc tập trận ở các vùng biển xa.
Hải quân PLA gần đây liên tục tập trận diễu võ giương oai ở biển xa.
Hải quân PLA tập trận đổ bộ chiếm đảo.
Thứ ba, lần đầu tiên trong lịch sử, chính giới Trung Quốc đã công khai cơ cấu tổ chức và quân số các quân, binh chủng trong lực lượng vũ trang của mình.
Lục quân gồm các đơn vị chiến đấu cơ động, Cục kiểm soát biên phòng và bảo vệ bờ biển, các phân đội bảo vệ những khu vực đóng quân… Các đơn vị chiến đấu cơ động được chia làm 18 cụm quân và các sư đoàn , lữ đoàn độc lập linh hoạt. Tổng quân số của lục quân PLA vào khoảng 850.000 quân nhân.
Hải quân gồm các lực lượng tàu ngầm, hạm nổi, không quân của Hải quân, các binh đội lính thủy đánh bộ và bộ đội phòng thủ bờ biển. Trong biên chế của Hải quân có Hạm đội Bắc Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Nam hải. Tổng quân số của Hải quân là 235.000 quân nhân.
Lực lượng không quân gồm không quân, bộ đội phòng không mặt đất, bộ đội ra đa, bộ đội đổ bộ đường không…Tổng quân số của lực lượng không quân là 398.000 quân nhân.
Ngoài các phân đội quân sự, thì quân cảnh và các đội dân quân cũng thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng. Cụ thể là, cảnh sát vũ trang thường thực hiện những nhiệm vụ trực chiến và tuần tra, giải quyết những tình huống khẩn cấp, tiến hành đấu tranh chống khủng bố, tham gia phát triển kinh tế đất nước. Nhưng trong thời chiến cảnh sát mặc nhiên có nhiệm vụ giúp đỡ PLA trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phòng thủ đất nước.
Thứ tư, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã giải mật các đơn vị quân đội bảo đảm an ninh hạt nhân của mình. Đó là nói về quân đoàn pháo binh số 2, bao gồm các lực lượng tên lửa-hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo thông thường và hạt nhân, các binh đội bảo đảm chiến đấu…Hiện nay trong trang bị của quân đoàn pháo binh số 2 có các tên lửa đạn đạo thuộc seri “Đông Phong” và các tên lửa hành trình “Trường Giang”.
Một lữ đoàn tên lửa chiến lược của quân đội Trung Quốc. |
Thứ năm, lần đầu tiên trong chiến lược của mình, Trung Quốc đã nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh hàng hải. Và trước hết là bảo vệ những con đường hàng hải và eo biển chiến lược, đồng thời tính tới vai trò quan trọng của giao thương hàng hải đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Chẳng hạn như, việc cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Trung Quốc từ Trung Đông chủ yếu thông qua eo biển Malacca. Ngoài ra, trong bối cảnh của các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay với các quốc gia láng giềng, sự nguy hiểm của việc đi qua các hành lang ở Đông Bắc Á cũng như qua biển Biển Đông đã gia tăng.
Những tranh chấp lớn nhất về mặt nguyên tắc của Trung Quốc với các nước láng giềng chính là tranh chấp trên biển: Với Nhật Bản là thềm lục địa ở Hoa Đông, với một số quốc gia ASEAN là thềm lục địa ở Biển Đông. Bên cạnh đó, việc tranh chấp ở đây diễn ra không phải chỉ với động cơ bảo vệ các tuyến vận tải, mà cả với nhu cầu đòi chủ quyền đối với thềm lục địa có trữ lượng dầu, khí lớn và nguồn hải sản dồi dào.
Cũng từ đây xuất phát mối quan tâm lớn của Bắc Kinh tới những dự án trên bộ của “Con đường tơ lụa” (cụ thể là qua Pakistan tới vùng eo biển Hormuz), điều này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các eo biển. Hay ít nhất cũng đa dạng hóa ngoại thương của nước này. Đồng thời cũng theo những tính toán như thế Bắc Kinh quan tâm tới các dự án Con đường phương Bắc và những hành lang qua Bắc Cực (con đường vận tải ngắn nhất sang châu Mỹ).
Tiêm kích J-15 nhái Su-33 của Nga tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Rốt cuộc, việc bảo đảm an ninh hàng hải quan trọng đối với Trung Quốc còn vì một lẽ khác. Trung Quốc có đường bờ biển trải dài nhất thế giới tới 18.000 km. Ngoài ra, nước này tự nhận có quyền tài phán với 6.5000 hòn đảo, mà tổng chiều dài đường bờ biển của chúng tới 14.000 km. Cũng cần phải nhớ là, tiềm năng công nghiệp chủ yếu của đất nước, tạo ra động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế về tổng thể là: châu thổ sông Dương Tử và Trân Châu, và cả vịnh Bột Hải đều nằm ở các vùng ven biển.
Thứ sáu, ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc tăng lên đòi hỏi không chỉ sẵn sàng bảo vệ những lợi ích riêng của mình ở nước ngoài, mà còn phải nâng cao trách nhiệm bảo đảm an ninh trên toàn thế giới. Bắc Kinh, vẫn như trước đây kiên định theo đuổi chính sách không tham gia vào bất kỳ một khối hoặc liên minh quân sự nào.
Trỗi dậy hòa bình hay bắt nạt?
Mặt khác, tính tới thực tiễn của quá trình toàn cầu hóa, Trung Quốc hiểu rằng, đơn độc, thiếu những nỗ lực chung thì rất khó đương đầu với các nguy cơ ngày càng tăng. Nghĩa là từ đây phát sinh nhiệm vụ-cần phải phối hợp hành động trong lĩnh vực quân sự với bạn bè, đồng minh và đối tác nhiều hơn. Chẳng hạn, thường xuyên tiến hành những cuộc tập trận, cơ động và luyện tập chung. Vì thế, từ năm 2002 PLA, dựa trên những thỏa thuận cùng với 31 quốc gia trên thế giới đã tiến hành 28 cuộc tập trận và 34 lần luyện tập chung. Cụ thể là, chỉ riêng trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải đã tiến hành 9 cuộc tập trận chống khủng bố chung. Ngoài ra, chương trình luyện tập chung trên biển (với Nga, Pakistan, Thailand, và một số quốc gia Phương Tây) cũng được mở rộng.
Trung Quốc cũng cố gắng thực hiện nghĩa vụ gìn giữ hòa bình của mình trong khuôn khổ các cam kết trước Liên Hợp Quốc (LHQ). Trong thời điểm hiện nay, nếu so sánh giữa 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc đang dẫn đầu về quân số tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, được phái tới “các điểm nóng”. Theo tình hình tổng hợp đến tháng 12/2012, tham gia thực hiện nhiệm vụ tại 9 vùng trách nhiệm của LHQ có 1.842 sỹ quan và binh sỹ của PLA. Trong đó chỉ có 78 người là quan sát viên quân sự và sỹ quan trong biên chế; những người còn lại đều là thành viên của các phân đội công binh và quân y. Ví dụ, trong phái bộ tại Congo có 218 người Trung Quốc phục vụ, tại Liberia- 558 người, tại Libanon-335 người, tại phái bộ Liên minh châu Phi của LHQ UNAUMID-315 người và ở Nam Sudan-338 người.
Bộ binh PLA diễn tập thực binh
Lính đặc nhiệm Trung Quốc.
Lính đặc nhiệm Trung Quốc diễn tập
Về tổng thể Trung Quốc đã tham gia 23 chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ, đã cử đi thực hiện sứ mệnh này 22.000 nhân viên gìn giữ hòa bình. Để so sánh xin dẫn ra một vài con số: thực hiện sứ mệnh đầu tiên năm 1990 PLA đã phái đến Trung Đông cả thảy có 5 người làm quan sát viên quân sự. Và vào năm 1992 đã phái tới Cambodia 400 sĩ quan và lính công binh.
Tóm lại: Trong những điều kiện hình thành trật tự thế giới mới, và vai trò quốc tế của Trung Quốc tăng lên, nhiều nhiệm vụ mới được đặt ra trước các lực lượng vũ trang Trung Quốc, trách nhiệm và sứ mệnh mới của họ càng nặng nề. Để có thể sẵn sàng thực hiện sứ mệnh mới, Bắc Kinh đang điều chỉnh chiến lược quốc phòng của mình, cải cách lĩnh vực quân sự, tiến hành hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Cần phải tính tới một điều rằng Trung Quốc trong quá trình phát triển của mình phải dựa trên chính sự trỗi dậy hòa bình, chứ không phải vào chủ nghĩa phục thù quân sự; dựa vào sự ổn định chứ không phải bất ổn; dựa vào sự hợp tác bình đẳng và cùng tồn tại của tất cả các quốc gia trong một trật tự thế giới đa cực, chứ không phải sự chèn ép một chiều của “kẻ mạnh” đối với “kẻ yếu”.
Theo Tiền phong