Thổ Nhĩ Kỳ “ra rìa”
Cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của Azerbaijan và Armenia sau cuộc chiến kéo dài 6 tuần ở Nagorno-Karabakh vào năm ngoái đã cho thấy Nga đang xây dựng lại vai trò lãnh đạo ở Caucasus, để lại ít không gian ảnh hưởng cho Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã giúp Azerbaijan chiếm ưu thế trên chiến trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp mặt Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan vào ngày 11/1, hai tháng sau khi ông làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn để chấm dứt các cuộc đụng độ.
Hai nhà lãnh đạo Aliyev và Pashinyan chỉ chào hỏi một cách lạnh lùng và không bắt tay. Họ ngồi cách xa nhau trên cùng một phía của chiếc bàn, trong khi ông Putin ngồi đối diện.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã có nhiều ý kiến tỏ ra bất ngờ khi thiếu đi sự có mặt của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp. Trước đó, với sự hỗ trợ về quân sự của Ankara trong vai trò đồng minh, Azerbaijan đã có thêm lợi thế không nhỏ để đạt được các mục tiêu lớn về quân sự trong cuộc giao tranh vừa qua.
Nhiều người cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bước đi vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga ở Caucasus, và sau cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, Ankara sẽ có tiếng nói trên bàn đàm phán lẫn thực địa.
Tuy nhiên, theo Al-Monitor, việc Thổ Nhĩ Kỳ không có mặt trong cuộc họp vừa qua không gây ngạc nhiên, bởi lịch sử và bản chất của các cuộc xung đột ở Caucasus cũng như sự phụ thuộc của Armenia và Azerbaijan vào các mối quan hệ chính trị và kinh tế với Nga đã khiến Moscow có một vai trò đặc biệt trong bất kỳ cuộc đối đầu hoặc xây dựng hòa bình nào trong khu vực.
Yerevan bác bỏ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào tiến trình hậu chiến, đồng thời Moscow cũng đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ tránh xa các lĩnh vực ảnh hưởng của Nga.
Nghịch lý thay, những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Caucasus lại đang giúp Nga thiết lập lại chính mình trong khu vực. Cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh dẫn đến việc triển khai 2.000 binh sĩ Nga như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình, có thể mở đường cho một căn cứ quân sự của Nga tại đây.
Nga đã đạt được một vị thế cho phép nước này duy trì hiện trạng ở Nagorno-Karabakh. Người Armenia hiện phụ thuộc vào Nga với tư cách là người bảo đảm cho cái gọi là hành lang Lachin nối Nagorno-Karabakh với Armenia.
Dù cuộc xung đột chưa đi đến một cái kết thực sự, về phần mình, Nga muốn hai bên nhìn vào thực tại trước mắt: Chiến tranh đã kết thúc và 48.000 người đã trở về nhà của họ ở Nagorno-Karabakh.
Đối với Moscow, quá trình này vẫn đang đi đúng hướng, và bây giờ là lúc tập trung vào việc phục hồi kinh tế và tái thiết khu vực. Các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông nổi lên như một mục tiêu chính từ cuộc họp ba bên ở Điện Kremlin.
Kế hoạch giao thông
Theo tuyên bố chung, Nga, Azerbaijan và Armenia sẽ thành lập một nhóm làm việc chung, do các phó thủ tướng đồng chủ trì, để vạch ra một kế hoạch chi tiết cho sự phát triển của các liên kết giao thông trong khu vực vào ngày 1/3. Cuộc họp đầu tiên của nhóm là dự kiến vào ngày 30/1.
Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí không được đề cập trong tuyên bố, mặc dù nước này có liên quan đến những thảo luận trên. Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới nhỏ với nước cộng hòa tự trị Nakhchivan. Thỏa thuận ngừng bắn đã kêu gọi kết nối giao thông giữa Azerbaijan và Nakhchivan, thúc đẩy giấc mơ của Thổ Nhĩ Kỳ đạt được “hành lang chiến lược” tới lưu vực Caspi giàu khí đốt và Trung Á.
Tổng thống Aliyev đã nhiều lần nói rằng các liên kết giao thông sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Azerbaijan, Armenia và Nga, mà còn cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tuy nhiên, những dự án như vậy chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức ở Armenia, nơi kết quả của cuộc chiến đã dẫn đến bất ổn chính trị và sự tức giận của công chúng vẫn âm ỉ với chính quyền Thủ tướng Pashinyan.
Trong số các dự án giao thông, trọng tâm là hành lang từ đất liền Azerbaijan đến Nakhchivan qua dải 42 km mà quận Zengezur của Armenia nằm giữa. Trong nhiều năm, người dân đại lục Azeri buộc phải đi đến Nakhchivan qua Iran và tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Georgia.
Tuy nhiên, các dự án giao thông lại tiềm ẩn rất nhiều bất ổn. An ninh của tuyến đường sẽ được đảm bảo như thế nào? Ai sẽ tài trợ? Armenia và Azerbaijan sẽ được hưởng lợi như nhau? Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ tham gia ở mức độ nào?
Các dự án giao thông là động lực để xây dựng hòa bình, nhưng vẫn tiềm ẩn xung đột có thể làm gián đoạn các nỗ lực hoặc làm đóng cửa của các liên kết đã mở lại. Nga một lần nữa sẽ là nước đứng ra bảo vệ ở đây. Việc Tổng thống Putin khẳng định rằng các thỏa thuận nói trên cũng sẽ phục vụ lợi ích của Nga không phải là không có lý do.