Do Ban tổ chức (BTC) chỉ biết phô trương thương hiệu? Do Ban Giám khảo (BGK) làm việc thiếu công tâm dẫn tới chọn nhầm? Do cá nhân những người đẹp không trân trọng chiếc vương miện và không ý thức được sứ mệnh của mình? Hay vì còn một lẽ sâu xa nào khác?
Bà Đoàn Kim Hồng (phải) và đương kim hoa hậu các dân tộc VN Triệu Thị Hà
Dư luận tranh cãi, phụ huynh kỳ thị
Không khó lý giải vì sao Venezuela lập kỷ lục về số lần “thắng giải” tại các cuộc thi nhan sắc danh tiếng trên thế giới: 5 danh hiệu Hoa hậu Thế giới (1955, 1981, 1984, 1991, 1995); 6 danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ (1979, 1981, 1984, 1991, 1995, 2011). Bởi không chỉ các bé gái mà tất cả các bà mẹ, các bậc phụ huynh tại đất nước này đều có giấc mơ và niềm tự hào về chiếc vương miện. Họ xem đây như một mong mỏi chính đáng về sự trưởng thành của con cái, không khác gì các bậc cha mẹ tại VN muốn con mình được vào trường chuyên, lớp chọn và trở thành bác sĩ, kỹ sư hay giáo viên.
Sẽ không ngạc nhiên khi tại Venezuela các bé gái được gửi vào các trường đào tạo và rèn luyện để trở thành một người phụ nữ hoàn hảo, một cô gái sẽ giành được chiếc vương miện trong tương lai. Ngoài trung tâm đào tạo Hoa hậu lớn nhất của Venezuela là “Miss Venezuela”, còn những trung tâm đào tạo nhỏ hơn được thành lập bởi chính những cựu Hoa hậu.
Và tại những “cái nôi” làm nên danh tiếng về một quốc gia sản sinh được nhiều thế hệ người đẹp hoàn mỹ nhất thế giới, các em bé được đào tạo từ cách đi đứng, cách ngồi, cách lựa chọn đồ và cả cách cầm thìa dĩa, cách đi lên cầu thang sao cho đẹp, cách sải bước tự tin và duyên dáng trên đôi giày cao gót, cách mỉm cười hút hồn và có được phong thái quyến rũ, sang trọng và quý phái. Các em còn được trang bị những kiến thức xã hội, sự hiểu biết về các quốc gia, các vùng lãnh thổ, đặc biệt là sự tự trọng và cá tính sau vẻ hút hồn đầy nữ tính…
Nếu không lọt vào danh sách thí sinh tại một cuộc thi nhan sắc nào đó thì lập tức các em cũng có những công việc phù hợp ngay khi “ra trường”. Sẽ không một bậc phụ huynh nào khước từ việc bỏ tiền đưa con tới một nơi mà biết chắc bé sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để trở thành một “công chúa” hoàn mỹ.
Tiết lộ với báo giới, một người đẹp, cũng là quản lý Học viện sắc đẹp nổi tiếng có 30 năm tuổi đời đã cho biết: “Sắc đẹp có thể sinh ra đã có nhưng để có phong thái đi đứng, cử chỉ hút hồn như một công chúa thì phải nỗ lực và tốn công rèn luyện”. Chính vì vậy mà hầu hết các người đẹp giành được vương miện tại đất nước này luôn có cuộc sống lành mạnh và sự cống hiến nhiệt thành trong các hoạt động xã hội.
Còn ở Việt Nam thì sao? Có thể chúng ta chưa có một trung tâm đào tạo nào mang tính bao quát và hướng tới một mục tiêu cụ thể như trên, dù có rất nhiều trung tâm dạy múa, dạy vẽ, dạy bơi… cho các bé gái. Cũng với thời gian là 6h/1 tuần, các bé gái từ 5-10 tuổi tại Venezuela có dung mạo và có thiên hướng sẽ được bố mẹ gửi tới các Học viện, các Trung tâm đào tạo danh tiếng để trở thành một Hoa hậu trong tương lai còn ở Việt Nam, các em được học thêm nhiều môn năng khiếu bổ trợ, nhưng rồi cũng “chẳng đâu vào đâu”. Không ít em bé Việt Nam nếu mong muốn trở thành Hoa hậu lập tức bị bố, bà, mẹ mắng mỏ; đây có thể hiểu là một kiểu tư duy cố hữu. Đồng thời, chúng ta chưa có một quy trình thống nhất trong việc giáo dục và hướng đạo với các em nhỏ theo một mục tiêu chung ví như việc đào tạo các em trở thành những mỹ nhân hoàn thiện trong tương lai (chứ chưa nói xa xôi là trở thành những Hoa hậu).
Thêm vào đó, công tác tổ chức và quản lý Hoa hậu tại Việt Nam còn mang tính “nhất thời” nếu không nói là một số cuộc thi mang tính “chộp giật” khiến cho nhiều phụ huynh không có niềm tin với chiếc vương miện, thậm chí cấm con em mình dự thi, bởi nỗi lo lớn lao về những cám dỗ sau khi đăng quang.
Cần đào tạo Hoa hậu bằng tư duy mới
Trao đổi với PV, Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới - TS. Đoàn Thị Kim Hồng cho biết: “Việc đào tạo ra một Hoa hậu không hề đơn giản, mà cần có sự chung tay của các bộ, ngành, nhất là bên giáo dục. Còn việc quản lý các Hoa hậu thế nào thì ngoài trách nhiệm của BTC, các em cũng phải được các ban ngành quan tâm, giúp đỡ.
Ví như năm nay, chúng tôi buộc phải có một hợp đồng quy định, ngoài việc các em phải tham gia các hoạt động từ thiện mà BTC thực hiện thì còn phải tham gia quảng bá hình ảnh con người, văn hóa của đất nước trong mọi hoạt động mà Bộ VH, TT&DL VN tổ chức ở trong nước và quốc tế. Các em cũng phải cam kết việc giữ gìn hình ảnh cả trong thời gian đương nhiệm và trong tương lai”.
Đây có thể là một nét mới so với các kỳ thi Hoa hậu trước đó. Bởi như ông Dương Xuân Nam - người từng nhiều lần làm trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho biết: “Trong thời gian đương nhiệm, các Hoa hậu ngoài việc tham gia các hoạt động từ thiện mà BTC đưa ra, còn phải báo cáo những hoạt động của cá nhân liên quan tới danh hiệu, sau đó thì không có sự ràng buộc nào”.
Đây được coi là một “kẽ hở” với việc quản lý Hoa hậu và chính vì thế đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều về việc có nên tước vương miện hay không với những người gây ra quá nhiều tai tiếng trong đời sống cá nhân và làm cho chiếc vương miện phần nào mất đi “uy lực”.
Cũng vào thời điểm “đình đám” của Hoa hậu VN đã nổi lên các trung tâm đào tạo sắc đẹp mà nổi bật là một trung tâm tại Hải Phòng với việc “cho ra lò” một số nhan sắc đoạt danh hiệu cao tại các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, hay sự xuất hiện một số “ông bầu” nhắm vào những gương mặt có khả năng đoạt giải, sẵn sàng đầu tư và làm “hậu thuẫn” sau khi người đẹp đăng quang. Song, với kinh nghiệm non nớt và hoạt động chưa chuyên nghiệp, các “ông bầu” trên đều phải dừng lại trước khi vương miện thực sự tạo ra sức mạnh của nó.
…Cho tới nay, sau thời gian nhiễu loạn các cuộc thi nhan sắc nhằm kiếm lời đã gây mất lòng tin của công chúng thì hẳn nhiên các cuộc thi Hoa hậu cũng mất đi phần nào danh tiếng. Để lấy lại “lòng dân” và để vương miện thực sự đáng giá, chúng ta buộc phải làm lại từ đầu.
Theo
Thục Nhi/
Giao Thông Vận Tải