Bị chính trị hóa
Có lẽ khi “phát minh” ra quần Jeans vào năm 1853, ông Levi Strauss cũng không thể ngờ nó được mọi người đón nhận. Từ chỗ chỉ dành cho tầng lớp lao động bình dân dần dần nó thành mốt thời thượng của lớp trẻ trên thế giới.
Trong bộ phim tài liệu “Quần Jeans vì cuộc sống” do đài Truyền hình độc lập NTV của Nga sản xuất thì quần Jeans đã bị cấm ở Liên Xô cho đến cuối thập niên 70. Thời kỳ chiến tranh lạnh, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói rằng: “Nếu chúng ta làm được cho một thanh niên Liên Xô mặc quần Jeans Mỹ đi ra Quảng trường Đỏ, thì chúng ta đã có thể coi là người chiến thắng trong cuộc chiến tư tưởng”.
Quần Jeans thời kỳ này không đơn giản là để mặc, nó đã bị chính trị hóa khi Henry Kissinger biến nó thành biểu trưng của nước Mỹ, của chủ nghĩa tư bản.
Người Việt đưa quần Jeans vào Liên Xô
Trong những năm 1980, nườm nượp người Việt Nam sang Liên Xô. Từ cán bộ đi học vài tháng, đi công tác ngắn ngày còn một số lượng rất lớn người lao động sang làm việc. Giai đoạn này, quan niệm về quần Jeans ở Liên Xô không còn cứng nhắc nên khi người Việt sang Liên Xô, trai hay gái, già hay trẻ ai cũng khoác một bộ trên người, trong va ly còn có thêm một bộ nữa theo tiêu chuẩn.
Không rõ tiêu chuẩn này do phía Liên Xô hay Việt Nam quy định. Nhưng với một số cán bộ có quan hệ “mật thiết” với hải quan 2 nước, quy định không có giá trị với họ và họ thường xuyên “đánh” mặt hàng này với số lượng lớn.
Quần Jeans mang sang Liên Xô có xuất xứ từ Thái Lan may giả nhãn hiệu Lee hay Levi’s. Giá 1 chiếc quần hiệu Lee, Levi’s khoảng 250 Rúp, quần KingJo (của Thái Lan) giá khoảng 150 Rúp trong khi lương công nhân Liên Xô khi đó chỉ khoảng 200 Rúp. Một chiếc quần Jeans người mang sang lãi khoảng 1 nửa.
Cùng với quần nguồn từ Việt Nam, một số cán bộ thương vụ người Việt công tác ở nước ngoài còn đưa quần Jeans từ Ba Lan vào Liên Xô với các nhãn hiệu Montana hay Rifle.
Nhận thấy buôn bán quần Jeans kiếm ăn được, nhiều cán bộ, công nhân đang làm việc tại Liên Xô đã mở xưởng may nhỏ. Một số nhập loại vải này từ Ấn Độ, còn phụ liệu như: Mác các loại, khuy đồng, chỉ thì “đánh” từ Việt Nam qua. Tại các Ốp có người Việt ở, tiếng máy khâu kêu rì rì cả đêm để kịp giao hàng vào buổi sáng.
Quần Jeans ở Việt Nam
Hầu hết các trào lưu thời trang trên thế giới không sớm thì muộn đều du nhập vào Việt Nam vì giới trẻ bao giờ cũng thích cái mới, cái lạ. Tuy nhiên quần Jeans lại là trường hợp khác. Dù xuất hiện trên các phim Mỹ chiếu khắp Sài Gòn, dù nhìn thấy những người Mỹ sang Việt Nam mặc và cũng rất nhiều người Việt ở Sài Gòn đã đến Mỹ và các nước Tây Âu trước năm 1975 nhưng thanh niên thời đó vẫn dửng dưng với quần Jeans. Chỉ có dân chơi mặc và cũng không nhiều. Một trong những nguyên nhân là quần Jeans ra đời đã lâu và bị cho là quần của những anh chàng chăn bò, người lao động. Mặt khác trước năm 1975, các loại vải nilon, sợi hóa học tổng hợp đã mê hoặc người tiêu dùng vì nhẹ, màu sắc đa dạng, giá không quá đắt.
Đầu thập niên 70, từ mốt quần Jeans ống loe và áo bó sát người của thời trang Hippie, một số người Việt đã cải tiến may quần ống loe bằng vải tổng hợp và áo chẽn bằng vải polyeste. Những năm đó ra đường đâu đâu cũng thấy thanh niên nam nữ mặc quần ống loe, áo chẽn, đi giày đế cao, đeo kính mát mắt to.
Trong giai đoạn này ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, dù chiến tranh nhưng thanh niên vẫn chạy theo mốt. Một trong những mốt quần thời đó là “Song ly, sóng nổi, cạp liền” nghĩa là có hai ly gấp, quần được là thành nếp và không có cạp. Người Hà Nội biết đến quần Jeans do xem phim Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại (do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất) trong đó nhân vật đóng vai người hùng da đỏ mặc quần Jeans là diễn viên nổi tiếng Dinzit. Và cũng nhiều người biết kiểu quần này vì có một vài người mặc, họ được người thân sống ở Pháp gửi cho.
Sau khi đất nước thống nhất, thời trang có sự thay đổi lớn. Thanh niên miền Bắc, nhất là ở Hà Nội sau nhiều năm theo các mốt quần áo “dõng”, “quân khu” hay quần Âu áo sơ mi cổ cứng đã nhanh chóng chuyển sang ăn mặc theo các mốt thanh niên miền Nam: Quần loe, áo hoa may chẽn, đi giày đế cao, thắt chiếc khăn lụa hoa ở cổ theo kiểu Hippie.
Lo sợ thanh niên bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây nên đã có lệnh cấm. Rất nhiều cơ quan treo tấm biển ở ngay cổng ra vào với dòng chữ “Không tiếp thanh niên quần loe tóc dài”. Rất nhiều phường đã thành lập đội thanh niên cờ đỏ và buổi tối họ chặn một khúc phố, cứ thấy ai quần loe, hay tóc dài là giữ lại lấy kéo cắt một nhát từ gấu lên tận háng. Lại có nơi thanh niên cờ đỏ lấy chai nhét vào ống quần thấy rộng hơn là xoẹt. Còn người để tóc dài thì cờ đỏ đưa một đường tông đơ từ gáy lên đỉnh.
Khi quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng năm 1979 thì hàng hóa Thái Lan các loại qua ngả Campuchia tràn về Việt Nam. Từ vải, thuốc lá, đồ tiêu dùng và đặc biệt là quần Jeans hiệu KingJo.
Quần KingJo chỉ có màu xanh với hai kiểu là ống đứng và ống hơi loe. Thời điểm này quần áo bằng chất liệu nilon và sợi tổng hợp không còn hấp dẫn nữa nên nhiều thanh niên đã chọn quần Jeans. Loại quần mà cả nam và nữ đều mặc được lại tha hồ “lăn lê bò toài”, nếu bị chê bẩn thì có thể thanh minh là theo mốt bụi. Một số dùng bật lửa Zippo còn nhét vào túi nhỏ để lòi cái nắp trắng cho thiên hạ biết ta là dân chơi.
Điều làm cho nhiều thanh niên thời kỳ này lựa chọn quần Jeans vì mặc đi làm cũng được, đi chơi cũng phù hợp nên dù giá 2 chỉ vàng một chiếc họ vẫn bỏ tiền. Vì nhu cầu tăng lên nên đầu những năm 1980 hầu như các chợ lớn ở Việt Nam đều có bán quần bò Thái.
Cũng trong những năm này vì gửi USD về nước rất khó nên nhiều người định cư ở Mỹ đã gửi cho người nhà trong nước quần Jeans hiệu Levi’s, Lee màu xanh hay màu chì để bán lấy tiền. Mặc quần Jeans của các hãng nổi tiếng thành mốt của nhiều thanh niên có điều kiện khi diện cả cây lại thêm giày thể thao Tiệp hay Đức thì các em mê tít.
Nguyễn Ngọc Tiến