Cũng không có bất cứ “nhà đạo đức”, “nhà văn hóa” nào đòi phải xử phạt anh chàng đó như đã từng gào lên đòi phạt những nữ diễn viên, người mẫu lộ nội y. Phải chăng hành động đó dù thảm hại, nhưng không quá phản cảm, không quá phản giáo dục?
Khi những Thu Minh, Hoàng Yến, hay Ngân Khánh, những người đẹp đã lộ ngực trên sân khấu, không có một ai phải quay đi, không có một giám khảo nào buồn nôn. Dù những người đẹp lộ ngực đều đã bị phạt 3,5 triệu đồng vì phản cảm.
Quân Kun quỳ lạy giám khảo. Một trong 4 vị giám khảo của cuộc thi này cũng đã quay lưng lại để không phải nhìn vào sự thảm hại đó. Hai vị giám khảo khác bộc lộ một khuôn mặt rõ ràng kìm chế để qua cơn buồn nôn.
Danh dự, nhân phẩm của một con người đã bị di trên sàn dưới hai đầu gối của gã trai bệnh hoạn. Nhưng ống kính truyền hình vẫn điềm nhiên ghi lại, và phát sóng. Vậy, đó là chuyện thường, và chẳng có gì phản cảm?
Sẵn sàng quỳ gối không còn là chuyện quá khác lạ trong cuộc sống hôm nay. Nhà đài đã nghĩ thế khi để những hình đó đến với công chúng. Có lẽ họ đúng.
Đầu tuần trước, một cô gái trẻ đã quỳ lết đầu gối dưới gấu quần một viên cảnh sát để thoát cái giấy phạt chỉ vài trăm ngàn.
Vài năm trước, cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất Việt Nam cũng đã quỳ xuống sân cỏ để tế lấy tế để ông trọng tài.
Người định trở thành thần tượng Việt Nam là một anh chàng quỳ gối, có sao đâu? Người ta vẫn dễ dàng bỏ qua danh dự dưới hình thức khác nhau đó thôi.
Cô gái ở Tp.HCM tuần trước quỳ gối trước cảnh sát giao thông khiến người ta để ý chỉ vì hình ảnh được ghi lại. Còn biết bao người khác, từ doanh nhân, trí thức, thậm chí cán bộ Nhà nước, mỗi khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt cũng đâu có ngại ngùng gọi điện cho người thân. Cũng là một cách bán danh dự cho cái biên lai xử phạt mấy trăm ngàn.
Không có vị giám khảo nào hỏi cậu thí sinh kia “Vì sao lại dễ dàng quỳ gối như thế?”. Họ không nỡ hỏi vì nhìn một gã trai bảnh bao quỳ sụp trước mặt mình đã là điều bất nhẫn.
Nhưng dẫu có hỏi, thì câu trả lời của gã trai cũng sẽ là vô nghĩa.
Nếu biết vì sao, nếu biết nghĩ về hành động của mình, hẳn gã trai đã không thể làm thế.
Gã trai đó chỉ biết cần phải vào vòng trong, phải chứng tỏ mình có khả năng là thần tượng của giới trẻ Việt Nam, bằng bất cứ giá nào. Mục đích của gã trai khi tham gia cuộc thi là để nổi tiếng, chứ không phải vì danh dự.
Gã trai thần tượng, hay cô gái quỳ lạy cảnh sát giao thông, họ giống nhau ở việc hướng tới cái đích đã lựa chọn. Gã trai đó muốn nổi tiếng dù phải quỳ lạy, cô gái đó muốn thoát án phạt dù phải quỳ lạy.
Những hình ảnh mà họ tạo ra có thể gây chú ý, nhưng không ngạc nhiên vì họ không phải những con người cá biệt trong một xã hội coi mục đích là điều tối quan trọng chứ không phải quá trình đạt đến mục đích đó.
Đã quá lâu rồi, chúng ta quen lấy mục đích để biện minh cho phương tiện. Lấy đích đến để khỏa lấp con đường. Lối sống đó đã trở thành thói quen. Trong thói quen đó, bạn có thể tham nhũng, có thể buôn gian bán lận, có thể tận dụng những cơ hội thiếu minh bạch để làm giàu, miễn là có thể trở nên giàu có, thì bạn sẽ được tôn vinh mà không ai cần biết bạn đã trở nên giàu có như thế nào.
Cũng trong thói quen đó, bạn có thể mua điểm, chạy điểm, xin điểm, gian lận trong thi cử… miễn làm sao có được những tấm bằng. Và kiến thức của bạn không quan trọng bằng những tấm chứng chỉ.
Chuyện là như thế! Sự thành công luôn là mục đích. Cuộc sống quá vội vã, và vô tâm để không nhiều người có thời gian theo dõi những con đường đi đến thành công.
Bởi thế, gã trai trên sân khấu, hay cô gái trong ngõ hẻm, họ sẽ vẫn quỳ lạy, thậm chí theo những cách thức thảm hại hơn, miễn là về đích.
Những hình ảnh quỳ lạy dẫu phản cảm nhưng không là cá biệt, và chúng ta sẽ buộc phải quen, như các biên tập viên cuả VTV đã quen với điều đó để bình thản phát sóng. Nếu không thể quen, bạn có thể chọn cách quay lưng và đứng dậy như nhạc sĩ Anh Quân.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến