Bộ GTVT vừa có Công văn số 3237/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về về công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe
Theo đó, cử tri kiến nghị như sau: “Hiện nay, tình hình tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông. Cử tri kiến nghị ngành giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình quản lý, đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông”.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật qua đó chú trọng và từng bước nâng cao vai trò của cơ quan quản lý trong kiểm tra, giám sát công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX).
Thứ nhất, đối với công tác quản lý đào tạo lái xe.
Quy định trách nhiệm của Sở GTVT trong công tác quản lý, giám sát quá trình đào tạo lái xe của các cơ sở đào tạo thông qua việc kiểm tra, giám sát đột xuất quá trình đào tạo; giám sát công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, thi cấp chứng chỉ; cung cấp các công cụ để cán bộ quản lý xét duyệt các học viên đã học đủ nội dung, khối lượng đào tạo để tham dự kỳ sát hạch.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo lái xe: thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết môn Pháp luật Giao thông đường bộ; thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe; cabin học lái xe cũng có tính năng thống kê công tác đào tạo thực hành trên thiết bị mô phỏng và cung cấp cho cơ quan quản lý.
Thứ hai, đối với công tác quản lý sát hạch lái xe.
Quy định việc giám sát công tác tổ chức kỳ sát hạch thông qua lực lượng thanh tra Sở. Tự động hóa, hoàn thiện quy trình sát hạch để tránh sự can thiệp của con người, đảm bảo thực hiện thống nhất theo quy trình sát hạch lái xe.
Cụ thể, nội dung sát hạch lý thuyết và sát hạch mô phỏng được thực hiện trên hệ thống máy tính thông qua phần mềm sát hạch do Bộ GTVT xây dựng và chuyển giao; thí sinh thực hiện phần thi một cách độc lập, không có sự giao tiếp với sát hạch viên trong phòng thi lý thuyết.
Nội dung sát hạch thực hành được tự động hóa thông qua thiết bị chấm điểm tự động; đối với sát hạch thực hành lái xe trong hình, thí sinh hoàn thành phần thi độc lập, không có sát hạch viên ngồi bên cạnh; đối với sát hạch thực hành lái xe trên đường, có sát hạch viên ngồi cạnh để bảo hiểm tay lái tuy nhiên toàn bộ quá trình thi đều được camera giám sát ghi lại và trung tâm sát hạch lưu trữ theo quy định.
Hệ thống camera giám sát tại các trung tâm sát hạch ghi lại được toàn bộ quá trình sát hạch của thí sinh, công khai hình ảnh tại các khu vực chờ của thí sinh và truyền về cơ quan quản lý để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý.
Hàng năm, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước và công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX tại các địa phương. Từ đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và chuyển các cơ quan chức năng đối với các sai phạm có dấu hiệu hình sự. Đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GTVT đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị, qua đó hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và có các chỉ thị, chỉ đạo đến các Sở GTVT và các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe kịp thời triển khai thực hiện, khắc phục tồn tại, hạn chế.
Tuệ Minh