Những cuộc hỗn chiến như vậy có số đông người tham gia, gây mất ổn định về tình hình an ninh trật tự. Đa phần "đồ" mà các đối tượng này sử dụng lại là dao, kiếm...
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, Thượng tá Đào Trọng Bằng (Phó phòng PC45- Công an Hưng Yên) cho rằng: "Gần đây không chỉ súng hoa cải, lựu đạn, chùy, lưỡi lê, mã tấu... mới được giới "số má" gọi là "hàng nóng", mà ngay cả dao phóng lợn, dao nhọn, dao phay hay dao bấm... cũng đã trở thành "hàng nóng".
Bởi, khi có nhu cầu "giải quyết" hoặc "thanh toán" đối với một đối tượng nào đó, giới "đàn anh, đàn chị" chỉ quan tâm đến kết quả chứ không quan tâm đến việc sử dụng hung khí gì. Có lẽ, đó cũng là lý do mặt hàng dao (đủ loại- PV) lại được sử dụng như một loại hung khí phổ biến trong các vụ án gần đây".
Thượng tá Đào Trọng Bằng.
Bàn về những vụ án liên quan đến hung khí là dao, luật sư Lương Hữu Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: "Hiện nay, cơ quan Nhà nước chỉ đề cập đến vấn đề quản lý vũ khí thô sơ (Pháp lệnh 16), trong khi nhiều thứ vũ khí có tinh năng tương tự như dao nhọn, dao bấm, dao bầu... lại không nằm trong danh mục nhóm vũ khí thô sơ. Việc xử lý hành chính cũng chỉ áp dụng với vũ khí thô sơ chứ không áp dụng với những loại vũ khí có tính năng tương tự như vũ khí thô sơ.
Thế nên, việc mua dao, sử dụng dao "vô tội vạ" lại không bị pháp luật cấm. Đây cũng là khoảng trống của pháp luật, những vụ việc xử lý những người mang dao (như trường hợp người bán hoa hồng mang dao-PV) là tàng trữ vũ khí thô sơ chỉ mang tính "ép buộc" chứ không có cơ sở pháp lý".
Theo luật sư Tuấn, luật cần quy định chặt chẽ hơn và đưa thêm một số vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự vũ khí thô sơ (được hiểu là loại vũ khí khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe đối với con người- PV) như dao bầu, dao bấm, dao nhọn... vào danh mục vũ khí thô sơ. Có như vậy việc xử lý vi phạm mới rõ ràng, minh bạch.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, dao được xem là đồ dùng... nhà bếp nên việc quản lý rất là khó. Bởi thực tế, bất kì một vật gì cũng có thể trở thành hung khí giết người, chứ không hẳn cứ là dao. Ngay cả một khúc gỗ, hay chiếc bay xây cũng có thể thành hung khí. Có ý kiến lo xa còn cho rằng, để kiểm soát thị trường dao không bán tràn lan với đủ loại vũ khí "nóng" đi kèm như lưỡi lê, mã tấu, giáo, mác..., Nhà nước chỉ cho bán dao có đóng dấu của cơ quan chức năng hoặc gắn mã vạch cho dao.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc sản xuất dao không thể so sánh và đánh đồng với quy định chế tạo vũ khí thô sơ được. Tại Nghị định 25 (Điều 12) thì việc chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí (trong đó có vũ khí thô sơ) chỉ có thể được thực hiện bởi cơ sở, doanh nghiệp của bộ Quốc phòng hoặc cơ sở, doanh nghiệp của bộ Công an. Cơ sở, doanh nghiệp chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí thô sơ chỉ được bán vũ khí thô sơ theo Giấy phép mua do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp (Điều 13 Thông tư 30). |
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Hương Lan