Xoay quanh vấn đề trên, PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Viết Chức, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, viện trưởng viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long.
Cấp thẻ để làm "sạch" nghệ thuật!
Ông đánh giá thế nào trước đề án của bộ VH-TT&DL về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nghệ sỹ, người mẫu trong hoạt động biểu diễn?
Trong văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, nghệ sỹ, người mẫu được coi là nghề mang tính đặc thù. Cá nhân tôi cho rằng nên có chứng chỉ hành nghề để việc quản lý văn hóa được thuận tiện. Mục tiêu cuối cùng để phát triển một cách tốt đẹp, nâng cao chất lượng chứ không phải là để "hành" nhau như giới nghệ thuật và dư luận đang tranh cãi.
Tới đây, bộ VH,TT&DL sẽ siết chặt hoạt động của các nghệ sỹ thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Nghề nào cũng phải có quản lý và quy định rõ ràng. Việc cấp thẻ hành nghề sẽ đem lại lợi ích cho những người theo nghề đó. Như vậy những người đủ tiêu chuẩn sẽ có lợi khi đi biểu diễn còn những người không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng được tiêu chí chung sẽ không làm được. Người biểu diễn phải có đủ trình độ nghệ thuật, khả năng hiểu biết văn hóa cũng như luật pháp về lĩnh vực đó.
Suy cho cùng, đặt ra quy chế phải làm cho người hoạt động nghệ thuật cảm thấy tự hào, tự đánh giá về mình và trở thành người chuyên nghiệp. Bởi lẽ chính những người không chuyên nghiệp mới tạo ra những scandal, chiêu trò rẻ tiền. Thực tế đó để người quản lý nghiên cứu làm cấp thẻ hành nghề cho ca sỹ, người mẫu. Như vậy việc hành nghề của họ được thuận lợi và người dân được phục vụ tốt hơn.
Nhiều người cho rằng chứng chỉ hành nghề chẳng khác gì "giấy phép con" đối với người nghệ sỹ, người mẫu. Trong khi nhiều tài năng không qua trường lớp đào tạo nhưng vẫn được khán giả mến mộ, thưa ông?
Không có một quy định nào có thể bao trọn hoàn chỉnh cả. Tất nhiên cũng có những người không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nhưng họ được công chúng trân trọng, ghi nhận như cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ. Tuy nhiên những nghệ sỹ như vậy không nhiều, hay trường hợp các nghệ sỹ đã được phong tặng NSND, NSƯT. Và tôi tin chắc rằng những người đó sẽ được xem xét để cấp chứng chỉ. Trong vấn đề này, các nhà quản lý văn hóa cũng không quá cứng nhắc, khô khan.
Việc đề ra phương án cấp chứng chỉ hành nghề cũng chỉ để người biểu diễn nghệ thuật được thuận lợi và lĩnh vực ấy phát triển hơn. Đây không phải là điều kiện để kinh doanh, trục lợi. Do vậy, người quản lý và người chịu sự quản lý cần sự đồng thuận. Quy chế đó nhằm tạo ra hành lang đúng đắn cho giới nghệ thuật, tránh đi lệch với quy chuẩn văn hóa.
Được biết, bộ VH-TT&DL đã nhiều lần "phôi thai" việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giới nghệ sỹ nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ông lý giải như thế nào về việc này?
Như tôi đã nói, nghệ thuật mang tính đặc thù. Có thể người quản lý đưa ra những quy chế nhưng do giữa nhà quản lý và giới nghệ thuật vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên vẫn chưa thực hiện được.
Hiện tại, việc cấp chứng chỉ hành nghề là rất cần thiết và phù hợp. Vì vậy, để việc này được thực hiện nghiêm túc cần phải lấy ý kiến từ đông đảo giới nghệ sỹ và phải tạo ra sự đồng thuận. Ví dụ như tại sao Quốc hội bàn để thông qua luật vì luật để phục vụ người dân, mà Đại biểu Quốc hội đại diện cho người dân. Do đó, việc đồng thuận là rất cần thiết. Ngay cả việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sỹ, người mẫu cũng vậy, tại sao không thảo luận với dân với nghệ thuật là để phục vụ người dân?.
Vậy có phải việc quản lý văn hóa "đang có vấn đề" khi để xảy ra nhiều scandal trong giới nghệ thuật trong thời gian vừa qua, thưa ông?
Vấn đề ở đây không phải thế. Quản lý bao giờ cũng cân nhắc tình thế. Đôi khi chúng ta phải thông cảm và chia sẻ. Họ rất ái ngại với những hiện tượng, scandal từ giới nghệ thuật khiến dư luận bất bình. Có thể vô tình hay hữu ý, nhưng một số những phản ánh gay gắt từ báo chí đã khiến nhà quản lý không thể ngồi im.
Người quản lý là những người thực hiện công vụ mà người dân giao cho. Người ta nghĩ đến quyền lợi của người dân chứ không riêng dành cho người làm nghệ thuật. Định hướng lớn nhất là người quản lý làm quy định là để lĩnh vực đó phát triển lành mạnh, phục vụ người dân tốt hơn. Bởi đâu phải khi nào hết scandal thì không cần người quản lý, người làm luật?
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Sự vinh danh và sàng lọc trong nghệ thuật
Nhiều nghệ sỹ cho rằng, mỗi một chương trình trước khi công diễn đều đã thông qua kiểm duyệt, ban kiểm duyệt thì việc cấp thêm chứng chỉ hành nghề cho giới nghệ sỹ sẽ bị chồng chéo, ông nghĩ sao về việc này?
Nhiều người đang hiểu lẫn lộn giữa hai việc này. Tôi lấy ví dụ một người tốt nghiệp đại học sư phạm họ sẽ được cấp bằng và được nhận dạy học ở một trường nào đó. Song không phải khi người ấy đang dạy học ở trường này thì cũng có thể qua trường khác dạy. Họ muốn làm điều đó phải xin phép hoặc được trường kia mời dạy.
Các nghệ sỹ cũng thế, họ được cấp phép hành nghề nhưng hành nghề ở đâu thì phải xin phép cụ thể ở đấy. Một số nghệ sỹ đang bị hiểu nhầm bởi giấy phép hành nghề được tham gia biễu diễn nghệ thuật và một chương trình biễu diễn nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng đòi hỏi nhiều yếu tố và cũng phải được sự cấp phép.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đôi khi nghệ sỹ không sai nhưng ông bầu làm chưa đúng quy định như không trả tiền bản quyền, không xin phép khiến họ bị ảnh hưởng. Vậy có nên đưa những ông bầu này vào diện quản lý và cấp chứng chỉ hành nghề không, thưa ông?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Người tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải cấp phép hành nghề biễu diễn. Như vậy mọi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ được nâng cao.
Ở Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo và cấp phép cho người tổ chức sự kiện. Những người có tài năng, có khả năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì càng phải hoạt động chuyên nghiệp. Việc hoạt động chuyên nghiệp ấy được thể hiện ngay ở việc quản lý và cấp thẻ hành nghề.
Cá nhân tôi cho rằng, phải cấp đồng bộ đối với nghệ sỹ, người mẫu và người tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tức ông bầu. Qua đó giúp người tổ chức sự kiện nắm được bao quát, những quy định về việc tổ chức sự kiện từ việc xin phép đến nộp tiền bản quyền...
Hoạt động văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực có điều kiện vì chỉ những người có nghề mới làm được việc đó. Như vậy cấp chứng chỉ hành nghề cũng như là chứng nhận tôn vinh người được cấp. Và như thế, giới nghệ sỹ, người mẫu hay người tổ chức sự kiện sẽ cảm thấy tự hào hơn khi mình được tôn vinh.
Đây cũng là sự khôn ngoan của nhà quản lý bởi họ sẽ đưa ra các tiêu chuẩn, quy định rõ ràng và qua đó tôn vinh những cá nhân được khán giả mến mộ bằng tấm thẻ chứng chỉ hành nghề.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết chỉ cấp chứng chỉ chủ yếu tập trung cho các ca sĩ, người mẫu - hai đối tượng có nhiều vi phạm, bị xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Còn các NSND, NSƯT được đặc cách, ông có cho rằng việc này gây dư luận không tốt trong giới nghệ sỹ trẻ?
Tôi được biết, bộ VH-TT&DL dự định cấp hai loại thẻ. Loại thứ nhất dành cho các nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật và có danh hiệu. Loại thứ hai dành cho các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến. Đối với các NSND, NSƯT hay những nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu, việc cấp chứng chỉ hành nghề là điều đương nhiên.
Mọi người phải hiểu như thế này, trước khi được phong danh hiệu là NSND, NSƯT, họ đã phải trải qua thời gian dài biểu diễn thì được nhận các huân chương, giải thưởng lớn. Giới nghệ sỹ, người mẫu cùng đừng coi chứng chỉ hành nghề là giấy phép. Phải coi nó như một danh hiệu, một cái bằng. Chính vì qua cấp thẻ hành nghề, giới nghệ sỹ sẽ coi trọng và tránh được những scandal không đáng có.
Việc phân cấp quản lý tại các địa bàn sẽ gặp nhiều khó khăn vì khi không có hội đồng nghệ thuật thẩm định thì sẽ rất khó để duyệt chứng chỉ hành nghề. Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực thưa ông?
Không nên biến việc cấp chứng chỉ hành nghề thành cơ chế xin- cho. Nó giống như một tấm bằng mà người ta trải qua một thời gian dài phấn đấu, tạo dấu ấn trong công chúng mới nhận được. Bởi trong hơn 80 triệu dân, người được cấp chứng chỉ hành nghề đâu có nhiều. Họ là người của công chúng và đáng được ghi nhận như vậy.
Nói đi cũng phải nói lại, người nghệ sỹ, người mẫu phải mang cái tâm, cái tài để được khán giả yêu thích. Họ không nên tạo ra những tai tiếng không xứng tầm để nổi tiếng. Phải làm sao cho xứng đáng khi bản thân họ đang cầm trong tay tấm thẻ hành nghề - Một sự vinh danh của nghệ thuật.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nhà quản lý văn hoá nghệ thuật cũng phải có tâm, có tài Ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ: "Đối với người theo lĩnh vực nghệ thuật, mục tiêu cuối cùng là hướng đến sự phát triển của nghệ thuật đích thực. Chúng ta phải thực sự chia sẻ với họ, nhà quản lý đang tạo ra hành lang hướng nghệ sỹ đi đúng đường chứ không phải để "hành" nhau. Quản lý văn hoá nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù nên nhà quản lý phải là những người có tâm và có tài. Quản lý những người có tài năng mà anh không có tài thì không thể thu phục được họ. Một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đôi khi có giá trị hơn rất nhiều so với các mệnh lệnh hành chính". |
Minh Khánh - Cao Tuân