Quan ngại tình trạng dự án du lịch sinh thái xây dựng "chui"

Quan ngại tình trạng dự án du lịch sinh thái xây dựng "chui"

Nguyễn Hữu Phương

Nguyễn Hữu Phương

Thứ 3, 10/01/2023 19:00

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa "phát lộ" nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sinh thái xây dựng "trái phép", "qua mặt" chính quyền sở tại.

Nở rộ dự án du lịch sinh thái tự phát...

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã "bất ngờ" phát lộ nhiều vi phạm liên quan tới hoạt động đầu tư, xây dựng tại các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái trang trại, farmstay tại nhiều địa phương ở tỉnh này.

Các vi phạm được phát hiện chủ yếu như: tổ chức xây dựng, hoạt động khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các hạng mục sai quy hoạch... có thể kể tới tại các dự án như Điểm du lịch sinh thái thác Ma Hao (tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), Làng du lịch Yên Trung (huyện Yên Định), Dự án Nông trại Golden Cow (xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân), Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn), Dự án Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden, Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh (huyện Thạch Thành)... 

Cụ thể, tại huyện Thường Xuân, năm 2019, dự án Nông trại Golden Cow tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (do Công ty TNHH Cơ giới và Xây lắp Minh Vương làm chủ đầu tư) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 14,2 tỷ đồng, diện tích được sử dụng để xây dựng dự án khoảng 20.500m2 (diện tích chính thức sẽ theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Mục tiêu đầu tư dự án là khu trang trại kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm học đường của nhân dân trong vùng.

Tiêu dùng & Dư luận -  Quan ngại tình trạng dự án du lịch sinh thái xây dựng 'chui'

Nhiều hạng mục tại dự án Nông trại Golden Cow đã được hoàn thiện tại thời điểm phản ánh.

Đi kèm với việc chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất,... và chỉ được triển khai thi công xây dựng sau khi hoàn thành các hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, nhiều hạng mục dự án trên đã được xây dựng, có dấu hiệu đi vào hoạt động khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý như khu nhà sàn và nhà chòi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, lưu trú của du khách, khu bể bơi, nhà điều hành 2 tầng, khu chuồng trại chăn nuôi, vườn thực nghiệm, các tiểu cảnh phục vụ cho chụp ảnh, nhà ăn, nhà nghỉ, thảm cỏ, cây xanh...  Trước tình trạng trên, UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) sau đó đã đề nghị chủ đầu tư dự án dừng việc xây dựng các hạng mục công trình khi chưa hoàn thành thủ tục hồ sơ. 

Tại huyện Thạch Thành, Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh”, do Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm báo chí phản ánh (tháng 7/2022), dự án này mặc dù chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, nhưng chủ đầu tư đã san ủi đất rừng và xây dựng nhiều nhà sàn...

Ngày 9/7/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2706/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh cho Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ. Mục tiêu đầu tư dịch vụ lưu trú ngắn; nhà hàng ăn uống phục vụ lưu động; cung cấp dịch vụ... trên diện tích khoảng 48,8ha, tổng mức đầu tư khoảng hơn 610 tỷ đồng.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương tại thời điểm ghi nhận, các nhà sàn mới được dựng lên trên đất rừng và “đất ở” của người dân nhưng chưa được Nhà nước cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Và dự án này đang chờ để được giao đất.

Tiêu dùng & Dư luận -  Quan ngại tình trạng dự án du lịch sinh thái xây dựng 'chui' (Hình 2).

Hình ảnh nhà sàn dựng lên tại dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh. (Ảnh: NB.Trần Thắng - CAND).

Tại huyện Bá Thước, dự án Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden được Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Tiến Phát (địa chỉ tại thôn Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) với nhiều phân khu chức năng như khu đón tiếp khách, nhà nghỉ tập thể, nhà sàn lớn, chòi nghỉ, nhà nghỉ sinh thái, nhà nghỉ cao cấp, phòng spa, phòng trị liệu... cùng một số hạng mục công trình phụ trợ khác đã được đầu tư xây dựng từ năm 2017, đến tháng 8/2018 đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào sử dụng.

Tuy nhiên, dự án Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden đã xây dựng kinh doanh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ), cho thuê đất và được chỉ ra trong năm 2022.

Giải quyết những vi phạm tại dự án này, ngày 3/6/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu xử lí nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai, kinh doanh tại dự án Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hoá có văn bản yêu cầu Công ty Tiến Phát khẩn trương hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục dự án theo chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành liên quan, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không tổ chức hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch khi chưa đủ điều kiện.

Tại huyện Lang Chánh, vi phạm xảy ra ngay tại dự án do UBND xã Trí Nang làm chủ đầu tư. Theo đó, điểm du lịch sinh thái thác Ma Hao (tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) được UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch là điểm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, mặc dù chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định nhưng một loạt nhà sàn đã được dựng lên trái phép trên diện tích 9.000m2 đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa, đất đường giao thông.

Trong báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, việc xây dựng các hạng mục công trình nhà sàn văn hóa tại bản Trí Nang là dự án do UBND xã làm chủ đầu tư, đã được HĐND xã thông qua Nghị quyết về đầu tư, được triển khai theo đề xuất của người dân trong bản nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 8.900m2, trong đó có 4.300m2 đất bằng trồng cây hàng năm, còn lại là đất trồng lúa và một phần đất giao thông. Tuy nhiên, về mặt thủ tục đầu tư, việc triển khai xây dựng các công trình trên chưa đảm bảo các quy định như: chưa có văn bản chấp thuận của HĐND tỉnh về danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chưa đầy đủ hồ sơ về xây dựng. Do đó, UBND huyện Lang Chánh đã lập biên bản đình chỉ thi công, yêu cầu UBND xã Trí Nang hoàn thiện hồ sơ đầu tư theo quy định của pháp luật và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm.

Trong diễn biến liên quan, ngày 18/7/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản "bác" đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Ma Hao.

Ngoài ra, hàng loạt công trình trái phép được xây dựng tại danh thắng quốc gia Kim Sơn (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc); Làng du lịch Yên Trung, huyện Yên Định chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã xây dựng, đi vào hoạt động, Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn) chưa đủ thủ tục pháp lý nhưng vẫn đi vào hoạt động xảy ra tai nạn khiến một cháu bé 4 tuổi tử vong thương tâm khi đang vui chơi, tham quan tại đây.

...và câu hỏi trách nhiệm nhà quản lý

Theo thống kê từ một số ít sai phạm kể trên, có thể thấy nhiều dự án đã "âm thầm" được xây dựng và đi vào hoạt động trong thời gian dài, tuy nhiên lại gần như "tàng hình" trước mắt các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, hoặc không có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa, xử lý triệt để. Từ đó, dẫn tới nhiều công trình, tài sản của người dân đã được đầu tư xây dựng trái phép có nguy cơ tháo dỡ, phá bỏ gây lãng phí tài nguyên của xã hội, thậm chí dẫn tới hậu quả thiệt hại đáng tiếc về người. Ngoài ra, việc các dụ án trên đi vào hoạt động khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn dẫn tới nguy cơ thu sai, hoặc thất thu thuế của Nhà nước.

Mới đây, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, vừa qua Sở này đã có quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đang thực hiện theo mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng – farmstay trên địa bàn.

Trong đó, Đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng; kiểm tra hồ sơ, thực tế sử dụng đất; kết quả thực hiện dự án đầu tư…

Qua trao đổi với Người Đưa Tin, Luật gia Hoàng Xuân Tốn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia liên cơ quan Thanh Hóa - Hà Nội – Nghệ An – Hà Nam, nguyên Ủy viên BCH Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật, Chính quyền địa phương (CQĐP) là cơ quan Nhà nước ở địa phương, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các vấn đề của người dân địa phương. Một trong những nhiệm vụ của chính quyền địa phương là tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn địa phương, trong đó bảo đảm cho các nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật đặt ra cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân được tuân thủ đầy đủ, bảo đảm cho các quyền mà pháp luật ghi nhận cho các tổ chức, cá nhân, từ đó duy trì trật tự xã hội an ninh, an toàn, tạo môi trường thuận lợi cho địap hương phát triển bền vững. 

Tiêu dùng & Dư luận -  Quan ngại tình trạng dự án du lịch sinh thái xây dựng 'chui' (Hình 3).

Luật gia Hoàng Xuân Tốn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia liên cơ quan Thanh Hóa - Hà Nội – Nghệ An – Hà Nam, nguyên Ủy viên BCH Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa.

Đồng thời, chính quyền địa phương quyết định những vấn đề của địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của pháp luật. Trong đó, xác định trách nhiệm, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền cũng như thực hiện việc kiểm soát quyền lực mới có hiệu quả. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên uỷ quyền, cùng với đó là chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình; kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp dưới.

Như vậy, theo Luật gia Hoàng Xuân Tốn, về khách quan thì trong Luật đất đai không quy định cụ thể về loại hình đất du lịch, vì vậy, cũng góp phần gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước. Bất cập này đang được Quốc hội dự kiến đưa vào trong Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý, để xảy ra những vi phạm về đất đai, đầu tư xây dựng trên địa bàn thì Chính quyền địa phương, là cơ quan giám sát gần dân, truyền tải pháp luật tới người dân phải có phần nhiều trách nhiệm.

Đơn cử như việc thực hiện dự án, có trường hợp đã đi vào hoạt động nhưng lại chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ dẫn tới bất cập trong quản lý, phá vỡ quy hoạch và nguy cơ gây thất thu thuế cho Nhà nước...

Trong diễn biến khác liên quan thanh tra lĩnh vực đất đai tại Thanh Hóa, chiều 12/12, tại trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh và đoàn công tác đã công bố kế hoạch thanh tra về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các dự án có sử dụng đất và một số dự án có sử dụng đất là dự án FLC Sầm Sơn Golf Links, dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC và dự án Thủy điện Hồi Xuân.

Theo Quyết định số 469/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ, đoàn sẽ làm việc trong vòng 60 ngày (không kể ngày lễ, ngày nghỉ), trong đó, làm việc trọng tâm, trọng điểm các dự án liên quan đến lĩnh vực đất đai, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sắp xếp các loại đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và dự án FLC Sầm Sơn Golf Links, dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC (Tp.Sầm Sơn), dự án Thủy điện Hồi Xuân (huyện Quan Hóa).

Việt Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.