Những ngày qua, trong khi cả xã hội đang hân hoan đón Tết, thì bất ngờ 2 hung tin liên tiếp ập đến trên truyền thông: Chồng đâm nát mặt vợ chiều 29 Tết, chồng giết vợ đêm 30 Tết, khiến dư luận bàng hoàng kinh hãi.
Đó là, vụ thứ nhất xảy ra tại xã Kỳ Tây (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lúc 15h ngày 3/2, tức 29 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Nguyễn Văn Hải (32 tuổi) xảy ra mâu thuẫn với vợ là chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi) cùng trú tại xã Kỳ Tây. Trước đó, do mâu thuẫn vợ chồng, chị vợ đã ly thân về nhà bố mẹ đẻ. Ngày hôm đó, Hải đến thuyết phục vợ quay trở về không được, đã dùng chai bia vỡ đâm liên tiếp vào cổ và mặt vợ hết sức dã man.
Vụ thứ hai, khoảng 21h30 ngày 4/2 (tức đêm 30 Tết), tại xóm Lâu, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), Bùi Văn Kiên (SN 1987) đã dùng dao đâm chết vợ mình là chị Bùi Thị H. (SN 1996). Sau đó, Kiên tiếp tục dùng dao đâm trọng thương anh Bùi Văn Hùng (SN 1997, ngụ xã Yên Thượng, huyện Cao Phong) và chị Bùi Thị Dường (SN 1998, ngụ xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), đều là em trai và em gái ruột của chị H..
Nguyên do là, theo lời ông Bùi Văn Sầng, bố đẻ của hung thủ Bùi Văn Kiên, cũng là người đầu tiên chứng kiến vụ việc, thì đêm 30 Tết gia đình chị H. đến xin cho mẹ con chị H. về nhà ngoại để ăn Tết. Nhà chồng không đồng ý, chị H. vẫn cương quyết dắt con đi, thì liền ngay lúc đó Kiên đã đâm liên tiếp làm chị H. tử vong và 2 người em vợ đi theo bị trọng thương.
Hai sự việc này khiến người ta choáng váng vì mức độ tàn bạo của nó!
Như vậy là hóa ra lâu nay trong xã hội ta vẫn tồn tại một lề thói chồng tự cho mình có quyền cưỡng chế vợ, vốn xuất phát từ quan niệm "xuất giá tòng phu" của Nho giáo, phụ nữ lấy chồng phải theo chồng là tư tưởng tàn dư của chế độ phong kiến để lại.
Về quan niệm "xuất giá tòng phu" có từ thời phong kiến, thì thực ra ngay cả ở xã hội hiện đại ngày nay dù không phải nhà nào cũng xảy ra chuyện chồng hành hung vợ như thế, nhưng nó vẫn còn in đậm dấu ấn ở tất cả các gia đình. Đó là việc con do người vợ đẻ ra, nhưng con lại phải mang họ người chồng. Thế cho nên, dù là ở xã hội hiện đại nhưng thực tế người vợ vẫn phải "xuất giá tòng phu" khi mình đẻ con ra nhưng không được cho con mang họ mình mà lại phải chấp nhận cho con mang họ chồng, nghĩa là vẫn phải theo chồng.
Và cũng chính vì thực tế còn tình trạng "xuất giá tòng phu" con phải mang họ cha như vậy, cho nên nó vẫn định hình cho các ông chồng tư tưởng vợ mình phải theo ý mình. Và tất nhiên, khi đã quen với lề thói "vợ phải theo ý chồng" như vậy, lại gặp bà vợ chống lại không chịu theo ý chồng, thì ông chồng sẽ dễ nảy sinh ý muốn dùng vũ lực cưỡng chế vợ phải theo "truyền thống gia đình" đó. Do có lợi thế sức khỏe hơn vợ nên người chồng cưỡng chế được vợ. Và đó chính là nguyên nhân của các vụ bạo lực gia đình vẫn xảy ra hàng ngày, mà đỉnh điểm là 2 vụ vừa xảy ra trong Tết nói trên.
Như vậy là, chính vì con mang họ cha, cho nên cán cân quyền lực trong gia đình đã nghiêng về phía người chồng chứ không phải là thăng bằng giữa vợ - chồng nữa. Và khi người chồng đã được quyền lực hơn người vợ, thì tất yếu dẫn đến hệ quả là người vợ không được cãi lại chồng. Nếu cãi lại thì tất nhiên sẽ bị chồng cưỡng chế và cưỡng chế ở đây không gì khác ngoài cưỡng chế bằng bạo lực với vợ.
Cho nên để đặt dấu chấm hết cho nạn bạo lực gia đình, chồng cưỡng chế vợ, thì đã đến lúc Nhà nước cần mạnh mẽ đột phá truyền thống "xuất giá tòng phu" đã trở nên tiêu cực lỗi thời đó, bằng cách đưa ra quy định rõ ràng "phụ nữ sinh con có quyền cho con mang họ mẹ" vào trong luật Hôn nhân và gia đình. Mục đích nhằm thiết lập lại cán cân quyền lực giữa vợ và chồng trong gia đình, vốn là nguyên nhân sâu xa của tư tưởng "phụ nữ lấy chồng phải theo chồng" đã gây ra cái họa bạo lực gia đình vẫn còn đang tồn tại lạc lõng giữa thế giới văn minh ngày nay.
Phạm Mạnh Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.