Tin sét đánh
Vùng quê yên bình, thuần nông xã Lâm Lợi, Hà Hòa, Phú Thọ, người dân xôn xao bàn tán về căn bệnh ung thư máu hay bệnh máu trắng mà anh Đặng Văn Tư (SN 1978) mắc phải. Kể từ hôm anh đi Hà Nội khám bệnh về, người dân trong làng, ngoài xã kéo đến nhà thăm đông nghịt. Nhiều người quê anh râm ran nói bệnh của anh chỉ sống được khoảng 3 tháng. Họ không nói ra nhưng bản thân anh cũng hiểu rằng, mọi người đến thăm anh phần để hỏi thăm động viên, phần muốn chia buồn cùng gia đình.
Cái ngày đen tối ấy khiến tinh thần anh Tư sụp đổ, tâm trạng rối bời xen lẫn lo lắng và sợ hãi. Vợ và người thân của anh rất choáng váng và không tin điều đó là sự thật. Trong tâm trí anh Tư vẫn còn nhớ vào một ngày đầu tháng 2 âm lịch năm 2006. Ngay chính bản thân anh cũng không tin vào tai mình, bởi với anh và nhiều người quê anh chỉ biết bệnh này qua phim ảnh, chỉ biết rằng nếu ai mắc phải căn bệnh quái ác này không khác gì "án tử". Sau khi đau đầu và bụng ngày càng phình to, anh lên bệnh viện huyện khám, các bác sĩ bảo phải ra Hà Nội điều trị gấp. "Lần đầu ra Hà Nội, tôi đi cùng bố vợ, khám tại bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ không cho tôi biết bị bệnh gì. Nghe các bệnh nhân cùng phòng trò chuyện và khu nhà mình đang điều trị, tôi hiểu mình bị bệnh gì. Thì ra những bệnh nhân điều trị cùng tôi đều bị ung thư máu ở giai đoạn cuối và sẽ chẳng còn sống được bao lâu. Nhiều đêm nằm không sao chợp mắt, tôi suy nghĩ nhiều lắm về những ngày sắp tới, sao mịt mù và chán chường thế. Ban đầu tôi cũng sợ chết, có ai không ham sống sợ chết đâu. Tôi sợ một ngày phải xa vợ, xa con và những người thân yêu. Nhưng khi đã đối diện và chấp nhận sự thật thì cứ xem như số phận của mình đã được định đoạt, có muốn tránh cũng không được. Điều tôi phải suy nghĩ nhiều nhất đó là hai đứa con trai còn quá nhỏ sẽ sống ra sao, đứa lớn hơn 2 tuổi, đứa nhỏ mới được 6 tháng. Điều trị được vài ngày, vợ tôi lên thăm, đến cầu thang hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau khóc".
Chỉ có làm việc, anh Đặng Văn Tư mới thấy tinh thần thoải mái
Sau một thời gian nằm điều trị, anh Tư không phải nằm điều trị nội trú nữa mà được điều trị ngoại trú, hàng tháng đến lấy thuốc, ít thì hai lần, nhiều thì bốn lần. Kể từ đó hai vợ chồng anh Tư cứ đi đi về về từ nhà đến bệnh viện Bạch Mai chặng đường gần 150km lấy thuốc. Để tiết kiệm tiền đi lại, hai vợ chồng anh đi xe máy. "Những ngày điều trị ngoại trú ở nhà đối với tôi như một cực hình về tinh thần. Nhìn hai đứa con thơ mà tôi đau từng khúc ruột. Vợ và gia đình bên ngoại buồn rầu như tôi sắp phải rời bỏ thế giới này. Để vợ con và không khí gia đình tươi vui hơn, tôi đã xốc lại tinh thần không suy nghĩ nhiều và bắt tay vào lao động. Tôi bảo với vợ và mọi người rằng tôi không thể chết được, mọi người cứ yên tâm. Cũng may sau này tôi uống loại thuốc của Mỹ rất hợp với đề kháng cơ thể của mình nên sức khỏe khá hơn nhiều. Từ đó, vợ và gia đình tôi cũng bớt lo lắng hơn, tôi cũng bớt căng thẳng".
Quán phở đồng cảm
Sau bốn năm ròng, hai vợ chồng anh Đặng Văn Tư trên chiếc xe máy cũ kỹ đi đi về về đều đặn lấy thuốc. Điều kỳ diệu mà nhiều người không tin anh vẫn còn sống, còn lao động không thua kém người bình thường. Sau những ngày anh nằm viện về, gia đình không cho anh làm việc và bắt anh phải nghỉ ngơi cho khỏe. "Chưa kể tiền thuốc thang, tiền đi lại, ăn uống của hai vợ chồng một tháng mấy lần về Hà Nội cũng tốn kém. Mình là trụ cột gia đình mà không làm thì lấy đâu ra tiền trang trải. Hàng ngày tôi vẫn làm ruộng bình thường. Nhiều người thấy tôi vẫn làm việc như người bình thường, thậm chí còn khỏe hơn đã rất ngạc nhiên. Năm 2010, tôi nhận thấy mình cứ đi về như thế sẽ rất bất tiện và làm quần quật cả tháng cũng chỉ đủ vừa trang trải một cách tiết kiệm, nên đã bàn với vợ và bố mẹ để tôi xuống Hà Nội làm thêm và tiện cho việc điều trị", anh Đặng Văn Tư chia sẻ.
Sau những lần về Hà Nội lấy thuốc, anh Đặng Văn Tư thường xuyên ăn phở và cơm rang ở các quán gần viện. Anh bắt đầu nảy sinh ý định sau này sẽ mở một quán phở gần viện để tiện cho việc điều trị và hơn nữa là có thêm thu nhập lo cho tương lai. Anh la cà ở các quán phở và hỏi dò cách pha chế nước dùng và nguyên liệu cần thiết để mở quán phở ngon như thế nào. Khi đã có kinh nghiệm, anh Tư về quê vay mượn họ hàng mở quán phở, cơm rang gần Viện Huyết học phục vụ người nhà và bệnh nhân điều trị tại đây. Nhớ lại những ngày tháng cơ cực mới ra Hà Nội làm việc, anh Tư bùi ngùi cho biết: "Tôi suy nghĩ rất nhiều, nếu cứ ở quê và đi lấy thuốc như vậy đến một ngày nào đó không còn sức nữa phải nằm viện lấy đâu ra tiền để chữa bệnh. Trong lúc còn khỏe phải cố gắng làm việc để phòng bị. Hơn nữa, về Hà Nội và làm ngay tại cổng viện tiện việc điều trị cho mình mà có công ăn việc làm. Mới đầu tôi chỉ thuê quán có diện tích nhỏ để bán hàng và thuê thêm một người làm cùng. Vất vả một chút nhưng trừ các khoản chi phí cũng đủ tiền thuốc thang cho bản thân, gia đình vợ con không phải lo".
Đến cuối năm 2011, khi lượng khách đến quán ngày một đông, anh thuê sang một bãi đất rộng hơn cũng gần viện. Sáng anh dậy từ 4h30’ đi chợ đầu mối lấy thực phẩm về để kịp bán hàng. Để tiết kiệm thuê người làm, những lúc vãn khách anh lại tranh thủ sang san nền, đào hố chôn cột dựng quán. Khi quán mới dựng xong, anh về đón vợ ra làm cùng. Ngày vợ chồng anh đi, đứa nhỏ nhất định không chịu, khóc thét chạy theo. Giọng anh Tư nghẹn lại, nước mắt trào ra khi nhắc đến hai đứa con nhỏ ở nhà.
Quán phở của anh Tư chủ yếu bán cho người nhà và bệnh nhân có hoàn cảnh giống anh nên giá cả có phần rẻ hơn so với các quán khác. Cũng vì thế mà quán của anh ngày một đông hơn. Khách hàng gọi quán của anh là quán phở đồng cảm. "Họ cũng như mình thôi, từ quê ra đâu có nhiều tiền, có khi người đi chăm bệnh nhân chỉ dám ăn một bữa hoặc ăn suất ít tiền. Bởi vậy mà họ mua bao nhiêu, đắt rẻ, ít nhiều tôi đều bán. Có người mới từ quê ra chăm bệnh nhân hỏi mua hai nghìn cháo và còn bảo cho ít cháo nhiều thịt, mình buồn cười nhưng thông cảm nên lại bán".
Nhìn bề ngoài anh Tư không giống như những người bị mắc bệnh máu trắng. Bởi trên nét mặt của anh không hề biểu hiện sự buồn chán, ủ rũ và buông xuôi khi phải đối diện với căn bệnh quái ác. Người đối diện dễ nhận ra sự chăm chỉ, nhiệt thành và đồng cảm đối với những bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại Việt Huyết học và Truyền máu Trung ương mỗi lần đến quán của anh Tư.
Đã hơn 7 năm trôi đi kể từ ngày anh Đặng Văn Tư được chẩn đoán bị bệnh ung thư máu giai đoạn cuối. Có lẽ nhiều người cho rằng anh còn sống đến ngày hôm này bởi vì anh hợp thuốc và tinh thần vô tư thoải mái và sự lao động không biết mệt mỏi đã làm nên điều kỳ diệu đó. "Các bác sĩ bảo nếu hợp thuốc, bệnh nhân chỉ có thể sống nhiều nhất từ 6 đến 8 năm. Ngoài ra, nếu có tiền và người thân cho tủy có thể tiến hành ghép tủy, chi phí lớn tới mấy trăm triệu đồng. Tôi cũng mong ông trời cho mình sống thêm một thời gian nữa để làm ăn, tích cóp được rồi vay mượn thêm ghép tủy. Nhưng ghép tủy cũng nguy hiểm lắm, khả năng thành công thấp, còn thất bại người bệnh sẽ chết ngay. Trong trường hợp không đủ tiền ghép tủy, nếu phải ra đi mãi mãi tôi cũng có một số vốn lo cho hai con học hành để vợ tôi bớt vất vả. Một ngày còn sống tôi cũng phải cố gắng và làm việc hết mình. Điều gì đến rồi cũng sẽ đến, muốn tránh cũng không được. Lao động, sống chân thành và thoải mái là liều thuốc quý để tôi chiến thắng bệnh tật", anh Tư nói. |
Thiên Vũ