Chào Cường, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 đã khép lại, em có bất ngờ khi mình là người chiến thắng?
Nguyễn Hoàng Cường: Em rất vui, nhưng sự vui mừng nào rồi cũng phải có điểm dừng. Em vẫn phải cố gắng trong học tập, đối với em Đường lên đỉnh Olympia cũng chỉ là một cuộc chơi. Tuy nhiên, cuộc chơi này cũng rất căng thẳng, không chỉ em mà các bạn khác đều phải vận dụng hết khả năng của mình.
Chiến thắng này thôi thúc em cần phải cố gắng nhiều hơn trong học tập, rèn luyện. Tiếp tục chinh phục các đỉnh cao của tri thức trong thời gia đi du học và làm việc sau này, để luôn xứng đáng là niềm tự hào của thầy cô, bạn bè trường THPT Hòn Gai và nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Em tự thấy mình có phải là người chỉ biết mỗi việc học?
Nguyễn Hoàng Cường: Trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang có nhiều sự đổi mới. Em cũng như các bạn học sinh khối THPT tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung luôn nhận thức là bên cạnh việc học giỏi, học đều tất cả các môn, còn phải tham gia tích cực vào các hoạt động của lớp, của trường và cộng đồng xã hội thì mới có thể trở thành một học sinh phát triển toàn diện. Để sau này chúng em có thể đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà và đất nước.
Vậy thời gian dành cho việc học tập và thư giãn của em được phân chia như thế nào?
Nguyễn Hoàng Cường: Thật ra, mọi người đều nghĩ em học tốt, học đều thì chắc hẳn thời gian dành cho việc học là rất lớn. Nhưng không phải, ngoài thời gian học tập trên lớp, về nhà em chỉ dành thời gian cho việc học 1h30 – 2h đồng hồ mỗi ngày.
Thời gian học trên lớp, ngoài việc tiếp thu các bài giảng của thầy cô, có điều gì chưa hiểu em sẽ hỏi thầy cô luôn, tuyệt đối em không giấu dốt, mà cũng chẳng có gì phải xấu hổ cả. Khi về nhà, em làm bài tập theo chương trình học. Để có thể mở rộng kiến thức, em lên trên mạng internet để tìm hiểu thêm.
Mạng internet là một cỗ máy tri thức khổng lồ, ở đó, em có thể tìm thấy những gì mình muốn, những gì mình chưa biết để áp dụng vào việc học tập cũng như cuộc sống.
Em không gò bó việc học vào một khuôn khổ nhất định, em cũng chẳng phải là người thức khuya dậy sớm để học bài. Cơ bản là mình phải tạo được tâm lý thoải mái khi ngồi vào bàn học, và không tự tạo áp lực cho mình. Gia đình, bố mẹ để cho em tự học, tuyệt đối không can dự vào việc học của em. Vì có trí nhớ tốt nên kiến thức các bộ môn của em là tương đối ổn.
Năm nay là năm cuối cấp, em đã có sự chuẩn bị hay kế hoạch gì chưa?
Nguyễn Hoàng Cường: Trước mắt, là kỳ thi THPT Quốc gia 2019, kỳ thi quan trọng nhất trong thời gian 12 năm đèn sách. Em sẽ nỗ lực hết sức để đạt kết quả tốt nhất. Hoàn thành xong kỳ thi này, em sẽ lên đường đi du học.
Đường lên đỉnh Olympia đã trải qua 18 mùa, 17 Quán quân qua các năm hầu như đều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Chỉ có Lương Phương Thảo vô địch mùa thứ 3 đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam sau khi du học trở về. Em dự định gì khi du học xong?
Nguyễn Hoàng Cường: (cười) Trường đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia đã cấp học bổng du học toàn phần cho em. Em sẽ chọn trường này để theo học. Là công dân Việt Nam, tất nhiên em sẽ đóng góp sức lực cho Tổ quốc.
Việc có ở lại nước ngoài công tác, làm việc hay không, học xong em sẽ quyết định vì tương còn rất dài. Mọi chuyện đều có thể thay đổi.
Cảm ơn em về cuộc trao đổi, chúc em thành công trong học tập và cuộc sống!
Nguyễn Hoàng Cường hiện là học sinh lớp 12B5 trường THPT Hòn Gai, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Sáng 2/9 vừa qua, vượt qua 3 thí sinh Nguyễn Hữu Quang Nhật (THPT Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng), Chu Quang Trường (THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM) và Lê Thanh Tân Nhật (THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) trong trận chung kết, Nguyễn Hoàng Cường đã giành ngôi vị Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 đầy kịch tính.
Giải Nhì thuộc về Lê Thanh Tân Nhật, Nguyễn Hữu Quang Nhật, và Chu Quang Trường cùng được trao giải Ba.
Ngày 19/9, thi hành theo quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, bằng khen đã được trao cho Nguyễn Hoàng Cường các thí sinh đạt giải nhì và giải 3 trong chương trình này.