Cách đây vài ngày, trong đêm chung kết game show Người hùng tí hon mùa thứ 2, nhóc tì 5 tuổi Tin Tin đã cùng với đội Gấu trúc của mình lên ngôi một cách thuyết phục. Chiến thắng này cũng biến cậu nhóc Tin Tin trở thành người nhỏ tuổi nhất lên ngôi quán quân trong một chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam.
Trước cậu nhóc Tin Tin này, công chúng từng biết đến Ku Tin, cậu bé 4 tuổi cũng đã khuynh đảo game show truyền hình bởi vẻ ngoài bụ bẫm, dễ thương cùng khả năng ca hát, đối thoại dí dỏm. Cậu bé từng gây "bão" mạng nhờ những video dự thi các chương trình: Thách thức danh hài, Người hùng tí hon.
Hiện nay trên fanpage cá nhân của hai ngôi sao nhí này có hàng trăm nghìn người theo dõi và điều này đã biến các em thành ngôi sao nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, việc bé Tin Tin giành giải quán quân cuộc thi Người hùng tí hon cho thấy việc các thí sinh nhỏ tuổi chiến thắng ở các game show đang dần trở thành một xu hướng.
Có thể kiểm chứng điều này qua chương trình Vietnam’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt Nam). Trải qua 4 mùa phát sóng thì hầu hết các quán quân đều là các thí sinh dưới 10 tuổi. Quán quân cuộc thi The Voice Kids (giọng hát Việt nhí) năm 2015 cũng vậy. Và dù chúng ta không thể phủ nhận tài năng và sức hút khủng khiếp mà các em mang lại nhưng có một thực tế đang diễn ra ở một số cuộc thi là, nhiều thí sinh lên ngôi không hẳn vì tài năng mà vì có vẻ ngoài dễ thương, ứng xử ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Giám khảo Đại Nghĩa – người hay ngồi ở vị trí giám khảo của nhiều chương trình cho trẻ em cũng từng thừa nhận, ngày càng có các thí sinh nhỏ tuổi chiến thắng ở các game show. Tuy nhiên vị giám khảo này cho rằng, đó là vì khả năng của các bé, chứ không hẳn là ban giám khảo và khán giả muốn ưu ái.
Ấy nhưng đối với những cô, cậu nhóc “mới cai sữa mẹ” này, chúng ta lấy tiêu chí gì để đánh giá, bình chọn tài năng? Dựa vào vẻ ngoài đáng yêu; vào phong thái ngộ nghĩnh, ngây thơ hay vào phần ứng xử vừa buồn cười vừa dễ mến của các em?
Người tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra ở nhiều cuộc thi, nhóc tì nào càng bắt chước những trò người lớn thành công thì sẽ càng “ghi điểm”. Như ở phần thi chung kết chương trình Người hùng tí hon vừa rồi, cậu bé Tin Tin hát bài Duyên phận (lời bài hát đã bị chế lại cho phù hợp với lứa tuổi), rồi vừa hát vừa nhảy theo nhịp bài hát Hàn Quốc, vv … Nếu gọi đó là tài năng chọc cười khán giả cũng được, mà gọi theo cách của nhiều người cực đoan là đang làm trò cho người lớn xem cũng chẳng sai.
Rõ ràng thế giới của người lớn được tái hiện một cách hài hước và thú vị qua cách cảm nhận, cách thể hiện của con trẻ. Người ta thấy sao đứa trẻ đó hóm thế? Mới tý tuổi đầu mà làm được nhiều trò như thế? Ta cứ thử đặt ra một giả thiết, nếu bé Tin Tin đóng giả làm nhân vật hoạt hình doremon, diễn trò và sống với chính thế giới tuổi thơ của bé thì liệu cậu có thành công? Bé Tin Tin đâu có nhận thức được việc mình đang bị "đạo diễn" để gây cười cho khán giả? Còn nhiều người khác thì ngộ nhận như vậy là tài năng?
Bác Hồ từng dạy “trẻ em như búp trên cành/ biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Thế rồi ngay trong môi trường giáo dục tiểu học người ta cũng bỏ chấm điểm từng môn. Tại sao lại như vậy? Vì ngay cả các em có tài năng thực sự đi chăng nữa thì con đường đi tới thành công vẫn là một chặng đường rất dài và gian khó. Vậy thì gắn cho các em cái mác tài năng để làm gì?
Việc đó không chỉ tạo áp lực cho các em, quan trọng hơn nó tạo áp lực cho chính các bậc phụ huynh vì chạy theo ảo tưởng tài năng của con mình, chạy theo cái sĩ diện không “thua bạn thua bè” ... mà làm những việc vô ích, thậm chí có hại cho sự phát triển của con trẻ. Gắn mác tài năng cho trẻ em thiết nghĩ đã không nên, còn gắn mác tài năng cho những cô, cậu bé “mới cai sữa mẹ” thì thật là quá lắm. Vì thế, xin người lớn đừng làm trò nữa!
Phạm Văn
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết