Chuyện văn hóa mặc nơi công sở xưa nay vốn không có gì phải bàn cãi, bỗng trở nên rộn rã hơn bao giờ hết. Nhìn chiếc quần soóc, ngẫm chuyện văn hóa mới thấy thời nay, mọi chuẩn mực đều đang đi chệch khỏi quỹ đạo vốn có của nó. Thời nay là thời của những chiếc áo mỏng và quần ngắn...
Chuyện chiếc quần soóc
Lý giải về đề xuất này của mình, ông Dương Trung Quốc cho rằng, quần soóc tiện dụng, thoải mái, kích thích năng động,... do đó cần được quan tâm. Nhất là ở nước ta khí hậu nhiệt đới, nắng nóng quanh năm, thì việc mặc quần soóc vừa thoáng mát, vừa thuận tiện.
Ý tưởng này của ông xuất phát từ đề xuất của một vị thủ tướng Nhật Bản cách đây ít lâu, kêu gọi người dân nước mình nên cởi chiếc cà vạt cho bớt nóng. Điều này khiến ông nghĩ liệu có nên cởi thêm cái gì nữa không? Và ông nghĩ cánh đàn ông nên trở lại với quần ống ngắn.
Viện dẫn cho điều này, ông Dương Trung Quốc nhắc tới dấu ấn lịch sử của chiếc quần soóc đã đi vào công sở. Đó là khi cách mạng thành công, cảnh sát của chế độ mới mặc quần ống ngắn, đạp xe tháp tùng ô tô của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra quảng trường Ba Đình đọc Tuyên ngôn độc lập. Hay như Bác Hồ cũng có vài lần mặc quần soóc, áo veston tiếp khách quốc tế.
Trình diễn thời trang công sở.
Tìm hiểu một số tài liệu lịch sử, quần soóc thực chất là đọc chệch của chữ shorts (nghĩa là ngắn - PV) từ phương Tây. Ở các nước này, quần shorts từ thế kỷ 19 chỉ dành cho những cậu bé chưa đến tuổi trưởng thành. Ở châu Âu và Nam Mỹ trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, quần shorts chỉ sử dụng cho các cậu bé ở độ tuổi nhất định. Điều này tạo nên mặc định trong suy nghĩ của mọi người thời bấy giờ: Quần shorst chỉ dành cho những cậu trai trẻ. Phụ nữ dĩ nhiên không động đến thứ thời trang dành cho trẻ con, thiếu lịch sự, không kín đáo này. Nam giới thì không mặc tránh mang tiếng thiếu chín chắn, chưa trưởng thành.
Đầu thế kỷ 20, quần shorst được sử dụng chủ yếu trong các hoạt động thể thao. Càng về sau loại quần này càng phổ biến, và trở thành một phần của thế giới thời trang. Trong đó, có loại quần shorst Bermuda (quần tới ngang gối), sử dụng cùng tất dài, có thể dùng trong các trường hợp ăn mặc lịch sự. Tuy nhiên, nó vẫn thường chỉ để sử dụng trong chơi thể thao, dạo phố,...
Chuyện chiếc quần soóc trở thành một phần của trang phục công sở, không ít người đồng tình, dựa trên quan điểm không ai cấm mặc quần soóc nơi công sở, cũng không nên bó buộc vào một kiểu trang phục nào, và quần soóc công sở chỉ là sự trở lại của vòng quay lịch sử thời trang. Bởi trước năm 1960, quần soóc xuất hiện khá thường xuyên, và là quân phục của lực lượng vũ trang những năm mới giải phóng.
Trở lại với liên tưởng của ông Dương Trung Quốc có nên cởi thêm thứ gì, sau ý tưởng cởi cà vạt của một vị thủ tướng Nhật. Chuyện cởi một chiếc cà vạt không hề ảnh hưởng nhiều đến bộ trang phục lịch sự mà vị thủ tướng Nhật ấy mặc. Còn chuyện cởi chiếc quần tây dài, thay vào đó là chiếc quần soóc là một sự thay đổi lớn, cả một phông văn hóa, quan niệm về trang phục nơi công sở nhiều thập niên nay của chúng ta.
Chiếc quần soóc đậm chất thời trang thể thao liệu có "chen chân" vào trang phục công sở hiện tại?
Mỗi loại trang phục chỉ phù hợp với môi trường nhất định
Không mang tầm ảnh hưởng của một đặc điểm văn hóa Ở góc độ xã hội, thạc sĩ Phạm Lan Anh, chuyên gia nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho rằng: "Với một xã hội điều gì cũng là có thể như hiện nay, quần soóc tới công sở nếu đủ mạnh thì có thể trở thành một trào lưu, nhưng không mang tầm ảnh hưởng đến toàn xã hội như một đặc điểm văn hóa. Trang phục ở môi trường công sở không nên quá khác biệt so với những người xung quanh. Trang phục công sở ngày nay có thay đổi nhiều (nhất là trang phục nữ), nhưng đều hướng đến sự lịch sự, tính thẩm mỹ ở mức cao nhất, chứ không phải đem tính năng tiện dụng đặt lên hàng đầu. Nếu quần soóc trở thành thời trang công sở mùa hè ở nước ta, nghĩa là văn hóa mặc của Việt Nam đã thay đổi, thậm chí khác hẳn với ý niệm của thế giới. Nhưng không hẳn là truyền thống, không hẳn là sự tiếp biến văn hóa từ bên ngoài, lại càng không hẳn là một định hướng văn hóa trang phục có thể được cả xã hội chấp nhận, dù vẫn có một cơ số người nào đó đồng tình hoặc không phản đối". |
Mang một chiếc quần lâu nay được khắp nơi trên thế giới sử dụng như một trang phục thể thao, với quan niệm quần soóc là thiếu nghiêm túc đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều xã hội, vào nơi đòi hỏi sự lịch sự, chỉn chu ở mức cao nhất là công sở xem ra không khả thi.
Trao đổi về vấn đề này, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan An (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho biết: "Việc mặc áo quần, trang phục như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, chức năng của quần áo là nhằm che đậy, giúp bản thân tránh khỏi những tác động bên ngoài, sau đó mới hướng đến việc làm đẹp. Mặc quần áo còn là khía cạnh văn hóa. Qua cách sử dụng quần áo có thể nhận diện được đặc trưng văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Mỗi một loại trang phục lại có những tính năng riêng, phù hợp với những môi trường khác nhau. Vì vậy việc mặc quần soóc để đi làm như ngày xưa thì cần phải suy nghĩ thêm. Truyền thống văn hóa Việt Nam vốn trang phục là phải kín đáo, tế nhị, uyển chuyển và phù hợp với tự nhiên. Vì vậy mặc quần soóc phải đúng lúc, đúng nơi, không thể tùy tiện. Cần thể hiện sự văn minh và tôn trọng mọi người trong ứng xử văn hóa".
Đề cập đến vấn đề này, anh Hoàng Minh Nghĩa (30 tuổi, nhân viên văn phòng) bày tỏ: "Có thể nhiều người cho rằng quần áo không phải là vấn đề thể hiện nhân cách con người. Nhưng với tôi, trang phục thể hiện thị hiếu thẩm mỹ, cũng như một phần tính cách của một người. Tôi từng đọc được trong một nghiên cứu về văn hóa mặc: Thị hiếu thẩm mỹ như một năng lực sẵn có của con người, thể hiện sự ưa thích, lựa chọn và khả năng thực hành cái đẹp thông qua trang phục. Xét rộng ra, sự tồn tại của trang phục, với tính xã hội của nó, không phụ thuộc thị hiếu cá nhân, mà là thẩm mỹ số đông, thậm chí mang tính quốc gia sẽ khẳng định tầm và tư cách của trang phục. Nếu chỉ nhìn vào sự tiện lợi, năng động mà đưa quần soóc vào công sở thì không ổn. Các nước khác chắc phải "lác mắt" nhìn chúng ta, với những phong cách trang phục công sở... vô đối. Bởi sự tiện dụng, thoải mái là cần thiết khi bạn đi chơi, đi thể thao, chứ công sở mà ai cũng cứ thoải mái thế thì hình ảnh của công ty bị phá vỡ hết".
Khi được hỏi về việc có lựa chọn cho mình một chiếc quần soóc đến công sở hay không. Anh Nguyễn Văn An, giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM cười và nói: "Quần soóc rất đẹp khi mặc đi dạo, đi thể thao, mang hơi thở trẻ trung, năng động. Nhưng với tôi, mặc quần soóc đi làm không phải là lựa chọn trang phục của một người đàn ông thành đạt, chín chắn, đứng đầu trong một công ty. Không phải là lựa chọn trang phục của một người phụ nữ duyên dáng, sang trọng nơi công sở. Tôi không đủ tự tin để có thể diện một chiếc quần soóc tiếp khách mỗi ngày, đi chỗ này chỗ kia ngoại giao, ký kết hợp đồng với những khách hàng nơi đất nước họ không lựa chọn quần soóc làm trang phục công sở. Mà thiếu tự tin thì coi như nắm chắc tới 50% thất bại trước những cuộc đàm phán, ký kết làm ăn giữa hai bên. Nếu tôi đồng ý cho nhân viên mặc quần soóc tới công sở, thử tưởng tượng trong một công ty, chân thì người đẹp người xấu, người chân dài người chân ngắn, người chân to, người chân nhỏ,... mà cứ chiếc quần ngắn tới gối. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy nó không đảm bảo về mặt thẩm mỹ, chưa nói đến những chuyện khác...".
Dù một số người đồng ý có thể mặc quần soóc tới công sở nếu bạn muốn, hoặc nơi bạn làm không cấm, thì xem ra nó vẫn chỉ là chuyện để bàn bên những cuộc trà dư tửu hậu. Không phải hành trình trở thành chuyện ở góc độ văn hóa, dù nó đã có lịch sử tồn tại và những cú "lội ngược dòng" ngoạn mục ở khoảng thời gian ngắn trước đây tại Việt Nam.
Lam Giang