Thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngay từ năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, đầy cam go, quyết liệt, Chủ tich Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sớm có chủ trương, chính sách chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngày 16/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 20/SL về Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Tiếp đó, Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ, “ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ”. Ngày 10/7/1947, cơ quan Thương binh và cựu binh, sau đổi là Bộ Thương binh được thành lập. Tháng 6/1947, tại đồi Khau Tý, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm, ngày 27/7 là “Ngày thương binh”. Từ năm 1975, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đối với người có công đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện thống nhất trong cả nước. Ban Bí thư đã lần lượt ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/ 2006 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa””; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng” làm cơ sở cho việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người có công. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi căn bản, toàn diện, khẳng định nguyên tắc: “Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng”
Pháp lệnh này đã tạo hành lang pháp lý cho việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Đồng thời, còn quy định rõ nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Trên thực tế, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng bước đầu được xác lập và thường xuyên điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Hiện nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số). Hằng năm, ngân sách Nhà nước và các địa phương đã dành nhiều nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc phục hồi sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách…; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh. Các địa phương trong cả nước đã đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, thông báo tin mộ liệt sĩ được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, giúp thân nhân liệt sĩ có thể truy cập để tìm mộ và thăm viếng mộ, nghĩa trang liệt sĩ…
Từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương trong cả nước đã thực hiện triển khai chi trả hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng. Tất cả những hoạt động cụ thể trên đã góp phần hiện thực hóa chính sách người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sâu sắc truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chính sách người có công với cách mạng ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Đời sống của một bộ phận gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Tồn đọng về chính sách trong các cuộc chiến tranh còn rất lớn. Những quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tuy đã được hưởng chế độ phục viên hoặc xuất ngũ, nhưng mức hưởng còn thấp so với sự cống hiến, đời sống còn nhiều khó khăn. Một số đối tượng cần được hưởng chế độ ưu đãi nhưng chưa được giải quyết kịp thời như: chính sách đối với thanh niên xung phong, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh đó, việc phát hiện, tìm kiếm, quy tập phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh còn nhiều khó khăn, phức tạp. Việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; một số nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo; tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, trong những năm tới, cần tiếp tục: “Hoàn thiện và thực hiện tốt pháp luật, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú...giải quyết căn bản chính sách với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”.
Quán triệt định hướng đó, để phát huy được những kết quả, thành tích, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác người có công với cách mạng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp sau:Một là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hai là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Ba là, đa dạng hóa nguồn lực bảo đảm cho thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong tình hình mới. Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Năm là, chú trọng tuyên truyền, giúp đỡ, khích lệ, động viên ý chí tự lực vươn lên của những đối tượng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi người có công.
Hà Anh