Dư luận bức xúc vì ... “treo” nhiều
Nếu làm phép tính so sánh, thì năm 2012 vừa qua, tỷ lệ án treo đã giảm so với 2 năm trước (trên 30% trong khi năm 2010 và 2011 là 36,5% và 37,1%), tuy nhiên con số này hoàn toàn không làm "yên lòng" dư luận.
Bởi lẽ, đặc thù của án tham nhũng là các bị can, bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, những người có tầm ảnh hưởng nhất định. Có ý kiến đã làm phép so sánh rằng, tại sao các vụ án về trật tự trị an thời gian càng kéo dài thì càng mở rộng án, số đối tượng phát hiện càng nhiều, tính chất phạm tội càng nghiêm trọng, chứng cứ càng được củng cố chặt chẽ hơn.
Nhưng đối với án chức vụ tham nhũng thì ngược lại, càng kéo dài thời gian xử lý thì càng thu hẹp về phạm vi đối tượng, tính chất phạm tội, thay đổi tội danh...theo hướng có lợi cho đối tượng phạm tội, thậm chí sau đó không còn xử lý được nữa.
Sự "teo tóp", "đầu voi đuôi chuột" của những vụ án tham nhũng còn nằm ở chỗ, phát hiện hành vi sai phạm đã ít, xử lý còn ít hơn. ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) từng nhận định "Một số vụ án có biểu hiện tham nhũng còn nể nang, né tránh...có tình trạng chạy tội chuyển sang các tội danh khác như từ nặng thành nhẹ, từ lớn thành bé, xử phạt từ cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao... làm bất bình, bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân".
Dưới góc độ xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) mổ xẻ số án ''treo'' nhiều là điển hình của tình trạng “3 liên”: Liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên, liên kết với nhau chặt chẽ; và của “3 chạy”: Chạy án, (để) từ có tội thành không tội; chạy tội, (để) từ tội nặng thành tội nhẹ và chạy tù, (để) từ tù ngồi thành tù ''treo''; khiến cho: “Tội phạm tham nhũng tha hồ yên tâm rỉ tai, động viên nhau làm tới, như kiểu một quảng cáo: Không có gì phải lo vì trời mưa đã có ô, trời lạnh đã có áo, cảm cúm đã có tiffi... và tham nhũng đã có…án ''treo''.
Cứ nhân thân tốt là cho treo?
Trả lời chất vấn vì sao số án treo vẫn nhiều tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, thực tế số bị cáo cầm đầu trong các vụ án tham nhũng đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc, tuy nhiên, đối với những người có nhân thân tốt, tự thú, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả... thì được xem xét giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga từng nhấn mạnh nhiều lần: "Nhiều án treo không phải quan trọng mà vấn đề phải xử đúng". Bà Nga cũng đề nghị xem xét lại những quy định về điều kiện được hưởng án treo tại Điều 60 và Điều 47 BLHS về tình tiết giảm nhẹ.
Bởi vì đối với những người có chức vụ, quyền hạn thì đại đa số là nhân thân tốt, do vậy áp dụng với án tham nhũng là không phù hợp.
Ý kiến của bà Nga được nhiều chuyên gia đồng tình, vì thực tế hiện nay việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ có biểu hiện tràn lan, không bảo đảm nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật và làm giảm đi vai trò giáo dục, phòng ngừa tội phạm của hình phạt.
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cũng tỏ ra cảm thông: "Việc xét xử thực tế dù có khách quan thì người làm công tác xét xử cũng phải căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ để lượng hình. Trong khi người tham nhũng thường được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như có thân nhân tốt, có công với cách mạng, có khắc phục hậu quả nên bản thân họ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên dễ có khả năng được hưởng mức phạt dưới khung hoặc án treo" nhưng theo ĐB Bình "chính điều này làm cho dư luận rất bức xúc."
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã đã từng đề nghị Quốc hội khi ban hành nghị quyết về công tác tư pháp thì “Nên yêu cầu Tòa án không áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với bất kỳ người nào phạm tội tham nhũng” và yêu cầu Chủ tịch nước và các cơ quan thi hành án “không tha tù trước thời hạn cho đối tượng phạm tội tham nhũng. "
Tại Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác Tư pháp, Quốc hội cũng đã yêu cầu "việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định của pháp luật". Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thì hiện nay, TANDTC đang xây dựng một Nghị quyết mới theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện cho hưởng án treo./.
Năm 2012, các Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử 245 vụ án tham nhũng với 513 bị cáo, trong đó các Tòa án đã xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo 155 bị cáo (bằng 30,2% tổng số bị cáo đã xét xử). Đối với các tội phạm về kinh tế, các Tòa án đã xét xử 1049 vụ án với 1809 bị cáo, trong đó đã xử phạt tù cho hưởng án treo là 634 bị cáo (bằng 35,4%), còn lại là các hình phạt khác. |
Theo Thu Hằng (pháp luật Việt Nam)