Quần vợt và những kiểu cá độ có một không hai

Quần vợt và những kiểu cá độ có một không hai

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Phải nói ngay rằng, không phải sân quần vợt nào cũng chứa đựng những "cơn sóng dữ" như các bài viết trước đã phản ánh. Thế nhưng, chuyện chơi "phủi" và cá độ thì bất cứ ở đâu cũng có, mức độ cũng khác nhau.

"Triển Chiêu" thời quần vợt

Hầu hết ở các khu đô thị đều có vài sân tennis. Có thể sân được đầu tư rất bài bản và quy mô, nhưng có thể chỉ là các sân dựng tạm trên nền các khu đất trống của một số dự án kẹt vốn. Trong những ngày đi tìm hiểu tư liệu viết loạt bài này, PV đã được nghe kể nhiều về những "Triển Chiêu" trên sân.

Triển Chiêu là nhân vật đẹp trai, văn võ song toàn, cận vệ đắc lực cho Bao Công trong bộ phim nổi tiếng của Trung Hoa "Bao Thanh Thiên". Còn nói đến "Triển Chiêu" trên sân quần vợt là nói đến những tay vợt đỉnh cao, sức khỏe tốt, có thể bao tới 90% diện tích sân trong những trận đánh cặp với sếp. Còn sếp chỉ việc đứng bao một phần nhỏ hẹp, quả nào bay đúng tầm tay và dễ ăn thì sếp mới phải... ra tay. Còn lại, chủ yếu là dành bóng cho "Triển Chiêu".

Xã hội - Quần vợt và những kiểu cá độ có một không hai

Trên sân quần vợt của dân cá độ, không thể thiếu hình ảnh các "bóng hồng". Ảnh minh họa.

Trên trang mạng, một người tự xưng là "sành" tennis đưa ra các đặc điểm nhận dạng "Triển Chiêu" trên sân như sau: "Triển Chiêu" có thể là chính lái xe của sếp, cũng có thể là một cao thủ nào đó được ghi danh là nhân viên thuộc một đơn vị cấp dưới của sếp. Trong một trận đấu giữa hai cặp "Triển Chiêu" và sếp, ta có thể hình dung rằng, thực chất đó là một trận đấu giữa hai "Triển Chiêu", còn các sếp chỉ là "quan sát viên nằm vùng". Nhưng đấy lại chỉ là loại "Triển Chiêu" bình thường.

Các "Triển Chiêu" cao tay thì khác. Họ sẽ biết cách thỏa thuận ngầm với nhau trong một cuộc chơi hay một séc đấu rằng: "Mày "làm bóng" cho sếp tao bao nhiêu lần thì tao cũng sẽ "biếu" sếp mày bấy nhiêu quả". Điều này sẽ khiến hai sếp hí hửng, vì có những quả ăn điểm cực đẹp mà cứ tưởng là do mình đánh giỏi!

Cũng theo lời kể của tay vợt trên, anh đã từng chứng kiến vài lần một sếp của một ngành đứng cặp với lái xe của mình. Do tuổi đã cao, tay nghề cũng không cao nên sếp này luôn được lái xe làm "Triển Chiêu" bao sân, còn ông ta chỉ đứng riết một chỗ chờ bóng. Thế nhưng, vị sếp này luôn được lái xe khen: "Hôm nay, sếp đánh rất hay!", "quả lốp bóng của sếp đúng là hiếm thấy!", rồi "lốp tấn công của sếp đến em cũng chịu...".

Ở sân L.H (Cầu Giấy, Hà Nội), hầu như chiều thứ bảy nào, người ta cũng thấy hai cặp đấu đôi. Cần đầu là hai sếp của hai công ty lớn trong ngành xây dựng. Hai sếp này có tạng người khá giống nhau: Thấp, béo, chậm! Thế nhưng, hai sếp lại có hai "Triển Chiêu" rất cao tay. Hai nhân vật này nằm trong đội quần vợt của một tỉnh ven biển phía Nam, nơi nổi danh về đẳng cấp tennis trong cả nước.

Buổi đấu nào cũng là những trận "đòn thù" giữa hai sếp. Nhưng do hai sếp không bao được sân nên hai "Triển Chiêu" luôn ngấm ngầm tạo ra các "đường bóng mì ăn liền", nghĩa là đánh trúng là ăn điểm. Cứ sau mỗi trận đấu, các "Triển Chiêu" lại nhận được mớ tiền "bo" từ hai sếp.

Nghe nói, đôi này còn cặp một số sếp đi thi đấu trong ngành và lần nào cũng "ẵm" giải cao nên cặp "Triển Chiêu" này rất được lòng sếp và thường được sếp cho đi thi đấu cùng. Do đó, vợ con và anh em trong nhà của hai "Triển Chiêu" này cũng được thơm lây, được các sếp lo công ăn việc làm, tạo điều kiện cho mua nhà giá rẻ, mua xe hơi, rồi sắm vật dụng trong nhà...

Những kiểu cá độ "quỷ khốc thần sầu"

Trong lúc trò chuyện với tôi, Nam - một tay nhặt bóng thâm niên ở sân L.H (Cầu Giấy) - cho biết: "Nếu không phải người trong nghề thì không ai có thể tưởng tượng nổi các chiêu trò cá độ của dân tennis". Nam cho biết, ở sân L.H tuy không nổi danh ở Hà thành nhưng luôn xuất hiện các cao thủ trong giới cá độ tennis như C. "Quảng Ninh", H. "Hải Phòng"...

Dân chơi tennis có thể cá độ từ những hiện vật nhỏ nhặt như trả tiền sân, trả tiền chầu bia, tiền mua bóng... cho đến những kiểu "độ khủng" đến giật mình. Đối với C. "Quảng Ninh", mỗi trận đấu là một trận cá độ chí tử. Trước kia, C. còn cá nhỏ lẻ nhưng giờ mỗi tuần "cá" vài trận. Tại sân Q.H, người ta từng chứng kiến C. "cá" trận độ cả chiếc xe "mẹc" S500. Trận đó, C. "Quảng Ninh" thua, nhưng nghe đâu, vài hôm sau, C. lại thắng chiếc Luxus 470...

Xã hội - Quần vợt và những kiểu cá độ có một không hai (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Giới chơi tennis thường nói với nhau rằng, không có trận bóng nào là không có độ. Nhiều người không có máu me độ nhưng do bị kích động về tay nghề nên cũng dễ bị lao vào vòng xoáy của cá độ. Nói cách khác, cá độ là một phần không thể thiếu trong các trận tennis.

Dân tennis còn có khái niệm cá độ kiểu "một chỉ", "hai chỉ" và "ba chỉ". Theo đó, bên thua sẽ chiều cả đội theo nhu cầu "chỉ". Nếu cá kiểu "một chỉ" thì bên thắng được quyền chỉ vào bất cứ quán nhậu nào. Còn "hai chỉ", tức là "chỉ một" là nhậu, "chỉ hai" là massage hoặc karaoke. Còn cá kiểu "ba chỉ" tức là từ A đến Z. Thế cho nên, có nhiều đội sau khi nhậu xong là kéo nhau xuống Đồ Sơn (Hải Phòng) hoặc Quất Lâm (Nam Định)...

Còn có kiểu thách đấu nữa vô cùng lạ lùng của một thầy dạy tennis nổi tiếng đất Hà thành tên là D.. Thường thì chơi tennis phải mất ít nhất ba tháng mới có thể gọi là biết đánh, còn không thì phải mất cả năm học thì mới có thể tự tin cầm vợt ra sân được. Thế nên, với trình độ của mình, đặc biệt là khả năng cảm nhận bóng khó có ai sánh nổi, thầy D. từng thách đấu với một tay chơi nghiệp dư bằng cách thầy sẽ dùng vỏ chai rượu Chivas làm vợt!

Lúc đầu, không ai tin thầy D. có thể đánh được, chứ chưa nói đến chuyện có thể đánh thắng. Bởi, độ đàn hồi của vỏ chai rất kém, lại nặng hơn rất nhiều so với vợt, mặt vỏ chai lại cong, điểm tiếp xúc với bóng ít và không cân đối. Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến, cả sân hôm đó "mắt tròn mắt dẹt" và phải ngả mũ kính chào tuyệt kỹ chơi tennis của thầy D..

Có lần, thầy D. lại chấp bằng cách thầy chỉ đánh bóng qua háng! Thậm chí, gần đây, thầy còn chấp một vài người, với chiêu: Buộc phía dưới ống đồng của hai chân thầy lại, sao cho khoảng cách hai chân khoảng 8-10cm! Thế mà lần nào thầy cũng thắng giòn giã. Nhiều người phong cho thầy D. là "kiện tướng của sân".

Cũng chính vì thế, tiếng tăm của thầy ngày càng lan xa. Những người lắm tiền nhiều của thường thuê thầy dạy, với mức học phí 1- 2 triệu đồng/tiếng. Thậm chí, một đại gia ngành than còn trả công thầy tới 10 triệu đồng/2 tiếng. Theo ước tính, mỗi tháng thu nhập của thầy D. không dưới 150 triệu đồng! Nhưng nhìn nước da "đen tuyền" của thầy D. mới thấy thời gian làm việc của thầy trong môi trường dãi nắng dầm mưa nhiều như thế nào...

Cá độ"tình một đêm"

Kiểu cá độ kỳ quái nhất là của H. "Hải Phòng". Lần nào đi chơi, H. cũng "cõng" theo một em chân dài, xinh như mộng. Và nhóm bạn của H. cũng "ngưu tầm ngưu", không chịu kém cạnh. Do đó, thú chơi của nhóm này là đánh tennis và “cá” người đẹp. Nghĩa là, nếu đội nào thua thì người tình của đội ấy sẽ thuộc về đội kia trong một đêm!

Khánh Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.