Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/8, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, báo cáo số 255 ngày 10/8/2023 của Bộ Tư pháp gửi các ĐBQH tại phiên chất vấn có nhiều nội dung nêu thực trạng một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.
Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý, nguyên nhân của thực trạng trên là gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Đồng thời, cho biết thêm định hướng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thúy, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận đúng là thời gian qua có một số tình trạng vi phạm như “thông đồng dìm giá, quân xanh quân đỏ”; kỹ năng, năng lực hành nghề của đấu giá viên hạn chế đây là một thực tế.
Trong 5 năm 2018-2022 có 142 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, cũng có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên như ở Đông Anh, Hà Nội.
“Trong pháp luật về đấu giá, Bộ Tư pháp sẽ định hướng sửa Luật Đấu giá theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức quy chế để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá. Tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên, đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các văn bản của Đảng, phát triển đấu giá trực tuyến…”, Bộ trưởng nói.
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) nêu hiện nay việc ban hành một số văn bản ban hành quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái pháp luật. Ông hỏi Bộ trưởng việc xem xét, xử lý trách nhiệm trong vấn đề này thế nào?
Đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng về giải pháp đấu giá trực tuyến để tránh tình trạng thông đồng, dìm giá.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết chủ thể soạn thảo phải chịu trách nhiệm về câu chuyện đó, còn chế tài cụ thể lại liên quan pháp luật chuyên ngành.
Chưa bàn đến câu chuyện xử lý hình sự liên quan vấn đề này, song theo ông Long, chúng ta cũng chưa có cơ chế về xử lý và bồi thường về mặt dân sự.
Về mặt hành chính, nếu không làm đủ trách nhiệm của mình, lẽ ra việc của mình nhưng không đề xuất để xử lý. Bộ trưởng rất hy vọng vào quy định và việc siết chặt của Đảng để xử lý nghiêm túc hơn.
Chế tài về mặt hình sự, nếu chứng minh được lỗi cố ý, chứng minh được thiệt hại, đặc biệt nếu có yếu tố vụ lợi, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định sẽ xử lý hình sự, thực tế việc này cũng đã có.
Về đấu giá trực tuyến, Bộ trưởng Long nhìn nhận đây là giải pháp tốt để phần nào ngăn chặn thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch… trong đấu giá.
Về tài sản tư, ông Long cho biết một số tổ chức đấu giá tài sản tư có trang đấu giá riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới tính tới. Cơ quan quản lý đang nghĩ đến xây dựng cổng đấu giá trực tuyến nhưng kinh phí, cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm… đang gặp khó
Dẫn bài học từ Hàn Quốc, ông Long cho biết Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá để xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá.
Xem thêm:
>>> Cán bộ sợ trách nhiệm, có xu hướng giải thích để "tiện cho mình"
>>> Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm