Trước đó, vào sáng 25/9, một số hộ nuôi cá ở sông Gianh đoạn qua thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) bắt đầu thấy có cá chết nổi lác đác lên mặt nước.
Đến sáng 26/9, người dân ra kiểm tra lồng cá thì hoảng hốt phát hiện cá chết nổi trắng mặt nước. Việc cá nuôi trong hàng trăm lồng bè trên sông của các hộ dân ở đây bất ngờ chết hàng loạt, khiến họ không kịp trở tay.
“Hiện tượng cá chết diễn ra rất nhanh, mới buổi sáng chúng tôi bắt đầu thấy cá chết rải rác trong một số lồng. Đến chiều, cá đã chết đồng loạt, nổi trắng sông. Bao nhiều công sức chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đến lúc thu hoạch thì mất hết...”, ông Nguyễn Hùng, một người dân nuôi cá lồng tại thôn Cồn Sẻ bùi ngùi cho biết.
Theo thống kê sơ bộ từ xã Quảng Lộc, thôn Cồn Sẻ có 70 hộ nuôi cá lồng trên sông Gianh, trong đó có 61 hộ dân bị thiệt hại. Có khoảng gần 25.000 con cá các loại (gần 20 tấn) đều trong độ tuổi trưởng thành (nặng từ 0,7 – 1kg) bị chết.
Ông Nguyễn Cường, Trưởng thôn Cồn Sẻ thông tin thêm: “Trong đợt cá chết lần này, có 5 hộ bị thiệt hại nặng nề nhất, mỗi hộ từ 1.200 – 1.500 con cá trưởng thành có trọng lượng 1 kg bị chết”.
Theo nhiều người dân ở đây, từ khi tiến hành chuyển đổi mô hình sang nuôi cá lồng nước mặn và lợ trên sông Gianh đến nay đã 3 năm, nhưng chưa khi nào họ chứng kiến cảnh tượng cá chết nhiều đến như vậy.
Được biết, các hộ dân ở đây chủ yếu nuôi cá hanh, cá chẽm, cá vược... đều là những loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế rất cao, với mức giá dao động từ 80 nghìn đến 100 nghìn/kg.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay khi nắm bắt được thông tin hàng chục tấn cá nuôi chết bất thường, nổi trắng sông Gianh, các thương lái từ khắp nơi đã mang xe đông lạnh tới thu mua với giá thành rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với mức giá bình thường, tức là chỉ khoảng 30 nghìn đến 35 nghìn đồng/kg.
Chia sẻ vấn đề này, ông Mai Xuân Giang nói thêm, xã vẫn nắm bắt được thông tin các thương lái đến thu mua cá tại thôn Cồn Sẻ. Cá chết ở đây là do nguồn nước bị thay đổi đột ngột và bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngọt bị ô nhiễm từ đầu nguồn đổ về nên các thương lái vẫn tìm đến mua.
“Cá nuôi lồng ở đây chủ yếu là cá nước mặn và nước lợ. Cách đây vài ngày, có nước lũ về, xã Quảng Tân tháo cống nước thủy lợi, nước ngọt sản xuất nông nghiệp đổ về (có kèm nước lũ) nên việc cá chết có thể là do nguyên nhân sốc nước ngọt và ô nhiễm từ nguồn nước nông nghiệp”, ông Giang giải thích thêm.
Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, ngay trong ngày 26/9, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo cán bộ Phòng Kinh tế Thị xã Ba Đồn trực tiếp đến địa bàn thôn Cồn Sẻ kiểm tra tình hình, đồng thời chỉ đạo đóng cống ngăn mặn xã Quảng Tân. Sau đó, hiện tượng cá chết hàng loạt đã cơ bản chấm dứt.
Hiện, người dân vẫn đang chờ kết quả kiểm nghiệm chính thức từ cơ quan chức năng về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Ngô Huyền