Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu nhấn mạnh, HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống và tạo hành lang pháp lý cho chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tại kỳ họp, đại diện HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình bày các tờ trình, báo cáo. HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận và thông qua 19 nghị quyết.
Theo đó, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua các nghị quyết quan trọng: Phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, trong đó có nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đê kè và hạ tầng thiết yếu trên các lĩnh vực, giúp kết nối và tạo đà phát triển.
Bên cạnh đó, điều chỉnh một số nội dung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025) và năm 2024; chủ trương đầu tư Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; chủ trương đầu tư Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - tiểu dự án tỉnh Quảng Bình,…
Tại kỳ họp này, HĐND cũng thông qua Nghị quyết "Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình". Theo Nghị quyết này, người dân thuộc diện di dời do ảnh hưởng của thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn... sẽ được hỗ trợ các khoản kinh phí cần thiết để sớm ổn định cuộc sống.
Nghị quyết này quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); vùng đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; vùng ô nhiễm môi trường; các làng chài trên sông nước, đầm phá); vùng biên giới (gồm cả Khu kinh tế - quốc phòng); vùng dân di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 3 Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt, sạt lở và bố trí ổn định dân cư tại các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch. Các dự án đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng chưa có kinh phí để hỗ trợ di dời các hộ dân lên khu tái định cư. Bên cạnh đó, có 950 hộ dân trong tỉnh có nhu cầu bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai giai đoạn 2024- 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Nghị quyết quy định nội dung và mức hỗ trợ cho việc di dời nhà ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt, khai hoang đất sản xuất, lương thực, ổn định tại chỗ.
Cụ thể, hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để di dời nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ thiên tai; hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ để hỗ trợ làm nhà mới đối với những hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới, hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở do thiên tai hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng không thể di chuyển, sửa chữa, khôi phục lại.
Về nước sinh hoạt, hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để xây dựng hoặc mua bể chứa, đào giếng đối với nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh đó, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha khai hoang đồng ruộng và 8 triệu đồng/ha khai hoang tạo nương, đối với những nơi có điều kiện khai hoang, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về lương thực, hỗ trợ 15kg/gạo/khẩu/tháng hoặc tiền tương ứng với giá trị 15kg gạo tại thời điểm hỗ trợ. Ngoài ra, hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác đối với hộ gia đình đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển phải bố trí ổn định tại chỗ.
Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là 40-45 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Công Huấn đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao. UBND tỉnh tiếp tục khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư và cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai, thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư dự án, sớm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được thông qua.
Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua nhằm kịp thời nắm bắt, phản ánh những kiến nghị chính đáng của cử tri và nhân dân để HĐND tỉnh xem xét, giải quyết.