Mưa lũ làm 100.000 nhà dân ngập trong nước
Trong số 100.000 nhà dân bị ngập do mưa lũ thì Lệ Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của Quảng Bình khi có khoảng 32.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã của huyện này. Huyện Quảng Ninh có tổng số 13.067 nhà bị ngập; huyện Bố Trạch hiện có 13.897 nhà; thị xã Ba Đồn có tới 22.032 nhà bị ngập lụt nặng từ 0,5m - 4m; trong khi đó, tại huyện Quảng Trạch có 7.845 nhà; huyện Minh Hóa có 1.863 nhà bị ngập, vùng ‘rốn lũ” xã Tân Hóa có 100% số hộ bị ngập; huyện Tuyên Hóa có 6.649 nhà bị ngập, 23 thôn, bản/13 hiện vẫn đang bị cô lập - chia cắt; TP.Đồng Hới 2.498 nhà dân bị ngập lụt tập trung chủ yếu ở phường Phú Hải, Đồng Hải và xã Đức Ninh.
Theo ghi nhận, đến chiều 20/10, lượng mưa đã giảm, nước lũ đang rút dần tại 1 số địa phương vùng cao, còn một nơi ở vùng trũng và nhà dân ở khu vực hạ lưu sông Gianh, sông Kiến Giang vẫn còn ngập nặng.
Tính đến thời điểm này, mưa lũ đã làm 6 người tử vong. Cụ thể, 2 trường hợp ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy bị lật thuyền khi chạy lũ hôm 18/10; 2 người dân ở các xã Gia Ninh và xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) bị đuối nước hôm 19/10; 1 người ở xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) được phát hiện thi thể sáng nay. Trường hợp còn lại là bà Lê Thị Thú (ngụ thôn Bàu Sỏi, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa).
Trước ảnh hưởng của mưa lũ nặng nề, hàng nghìn hộ dân bị ngập chìm trong nước, thiếu thốn lương thực và đồ ăn qua ngày, có rất nhiều tổ chức, hội từ thiện trong và ngoài tỉnh đã tổ chức nấu các suất cơm, bánh chưng, xôi, nước uống, thuốc men… cho người dân vùng lũ.
Tuy nhiên, do đa số địa bàn còn bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ, nên các phần quà từ thiện được tập kết và trao cho người dân thông qua các lực lượng chức năng địa phương.
“Mấy ngày dầm mình trong nước lũ, cơm không có ăn phải cầm cự qua ngày bằng mỳ tôm, nay được nhận các suất ăn có đầy đủ nước uống, cơm và thức ăn, thuốc men, chúng tôi thực sự ấm lòng”, chị Trần Thủy, trú xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết.
Bác tin đồn vỡ đập
Những ngày qua, một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng, có hiện tượng vỡ đập khiến nước lũ lên cao. Tuy nhiên, khi xác minh thông tin trên từ cơ quan chức năng có liên quan, đều khẳng định đó là tin đồn thất thiệt.
Được biết, hiện tỉnh Quảng Bình có 150 đập, hồ thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt của người dân. Trong đó, công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý 17 hồ đập. Các hồ còn lại là hồ nhỏ do địa phương quản lý.
Ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết: "Hiện các hồ đập do công ty quản lý vận hành đều an toàn, tích nước và xả nước tự nhiên, không có hư hỏng hay vỡ như thông tin trên mạng xã hội".
Liên quan đến các hồ đập còn lại do địa phương quản lý, lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết tất cả hồ đập tại địa phương đều an toàn.
Ông Mai Văn Minh – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Các hồ đập tại địa phương đều an toàn, không có dấu hiệu đe dọa đến an toàn vận hành. Hiện địa phương đang tập trung công tác tiếp cận các địa vùng trũng thấp để tiếp tế lương thực, đưa người dân tới khu vực an toàn”.