Dự án đường ven biển Quảng Bình đi qua các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Bình với tổng chiều dài 80km, gồm có 3 đoạn tuyến: Đoạn Nam Roòn-Quảng Phúc dài 21,9km; đoạn Nam Cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,5km và đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 42,6km (không bao gồm đoạn qua FLC dài 5,8km do nhà đầu tư tự thực hiện).
Đường ven biển Quảng Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường 12m; bề rộng mặt đường và lề gia cố 11m. Dự án có 6 gói thầu xây lắp, với tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương), theo chủ trương thời gian thực hiện dự án từ 2021-2026.
Dự án này sau khi hoàn thành sẽ phát huy khả năng kết nối vùng ven biển của Quảng Bình với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, phát huy thế mạnh của cụm cảng nước sâu, khu công nghiệp Vũng Áng, Hòn La cũng như tạo sự kết nối quan trọng vùng phía đông của các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Cùng với đó, dự án góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút đầu tư; đồng thời tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; góp phần giải quyết ách tắc giao thông.
Để thực hiện dự án, tỉnh Quảng Bình đã phải thu hồi tổng diện tích đất là 199,33ha, đường đi qua địa bàn của 16 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố, ảnh hưởng đến 1.125 hộ dân và 37 tổ chức. Trong đó, có khoảng 166 hộ bị ảnh hưởng nhà ở và đất ở; 27 chủ sở hữu nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bị ảnh hưởng; nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi. Để thực hiện dự án, tỉnh Quảng Bình phải đầu tư xây dựng 8 khu tái định cư để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Tính đến nay, chủ đầu tư đã phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) được 68,33/80,00km, đạt 85,4%, trong đó phạm vi có mặt bằng thi công được 59,54/80km, đạt 74,4%. Đã giải ngân: 166,253/493,937 tỷ đồng, đạt 33,7%.
Sau gần 2 năm khởi công, Dự án đường ven biển Quảng Bình gặp vô số khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, GPMB đối với các phạm vi có chuyển mục đích sử dụng rừng, trang trại nuôi trồng thủy sản. Công tác tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, di dời lăng mộ vẫn chưa hoàn thành. Hiện, tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ.
Tại huyện Lệ Thủy, về tái định cư và bồi thường đất có 60 hộ bị ảnh hưởng nhà và đất ở, trong đó xã Ngư Thủy Bắc có 20 hộ, xã Ngư Thủy 40 hộ, theo kế hoạch các hộ gia đình bị ảnh hưởng sẽ được bố trí vào 2 khu tái định cư, song đến nay vị trí các khu tái định cư vẫn chưa được triển khai thi công.
Bên cạnh đó, chỉ tính riêng huyện Lệ Thủy còn 77 hộ chưa hoàn thiện phương án GPMB, do các nguyên nhân như; điều chỉnh thông báo thu hồi đất do có kiến nghị điều chỉnh trích đo, hoặc chưa xác định tỷ lệ thu hồi đất, chưa xác định được quy về chủ sử dụng đất cá nhân…
Tại huyện Quảng Ninh, hiện vẫn còn nhiều hộ dân chưa phê duyệt được phương án đền bù, GPMB và nhiều lăng mộ chưa được di dời đã ảnh hưởng lớn đến mặt bằng thi công. Nguyên nhân do các vướng mắc về tài sản tạo lập trên đất rừng, đền bù trang trại, di dời lăng mộ… Mặt khác, một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù đất rừng sản xuất, diện tích nuôi trồng thủy sản…
Bên cạnh những vướng mắc trong đền bù, giải tỏa cho các hộ dân, thì khi triển khai Dự án đường ven biển Quảng Bình gặp phải những vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình Vũ Anh Minh, để triển khai dự án, tỉnh Quảng Bình phải chuyển đổi 81,69ha rừng. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần nhiều quy trình thủ tục liên quan và cũng mất rất nhiều thời gian vì có những diện tích thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh và có diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Đối với Dự án đường ven biển Quảng Bình có hơn 22,2ha rừng phòng hộ cần chuyển đổi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; gần 30ha rừng sản xuất thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và hơn 29,4ha rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ dự án, các sở ngành của tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chặt chẽ từng bước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình cho biết, đường ven biển là dự án do tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư có quy mô, diện tích GPMB lớn nhất từ trước đến nay. Là dự án trọng điểm của tỉnh nên tỉnh Quảng Bình đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Dự án khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực thúc đẩy sự phát triển của địa phương vì vậy đề nghị và mong muốn người dân liên quan đến quá trình triển khai dự án chung sức, đồng lòng phối hợp tốt với địa phương, các sở ngành để triển khai dự án được thuận lợi.