Theo báo Chính phủ, theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2020, CHK Đồng Hới vẫn giữ nguyên nhà ga hành khách hiện hữu để khai thác và chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng nhà ga mới.
Giai đoạn đến năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga mới ở phía Đông Nam nhà ga hiện hữu với 2 cao trình đi/đến, đáp ứng công suất khai thác 3 triệu khách/năm. Đồng thời, có dự trữ đất phía Tây Bắc của nhà ga để đảm bảo có thể xây dựng 1 nhà ga khác với công suất khoảng 3 triệu khách/năm cho giai đoạn sau đó.
Đối với khu bay, đến năm 2030, giữ nguyên đường cất hạ cánh như hiện hữu, kích thước 2.400x45 m, đảm bảo khai thác tàu bay A320/A321 và tương đương, có dự trữ đất để kéo dài thêm đường cất hạ cánh đạt chiều dài 3.000m khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2030.
Với hệ thống đường lăn, giai đoạn đến năm 2020 vẫn giữ nguyên đường lăn hiện hữu, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương. Đến năm 2030, xây dựng đường lăn song song kích thước 2.400 m x 18 m, tim đường lăn song song cách tim đường cất hạ cánh 176 m, đảm bảo khai thác tàu bay code C, D. Đồng thời, xây dựng mới 2 đường lăn nối rộng 18m, có dự trữ đất để có thể kéo dài đường lăn song song khi đường cất hạ cánh kéo dài đạt 3.000m.
Về sân đỗ máy bay dân dụng, giai đoạn đến năm 2020, đảm bảo 4 vị trí đỗ cho máy bay A320/A321. Căn cứ nhu cầu sẽ mở rộng vị trí đỗ trong phần quy hoạch đất để mở rộng sân đỗ máy bay khi có nhu cầu và khả thi về nguồn vốn.
Đến năm 2030, CHK Đồng Hới đảm bảo có 12 vị trí máy bay code C và có dự trữ đất phát triển sân đỗ về phía Tây Bắc.
Báo GTVT cho hay, trước đó, tại buổi làm việc giữa bộ GTVT và tỉnh Quảng Bình về việc nâng cấp CHK Đồng Hới, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, chiến lược phát triển của Quảng Bình là du lịch, nhất là thu hút khách quốc tế. Đã có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Trong đó, Tập đoàn FLC là nhà đầu tư lớn, nhiều công trình, dự án khu nghỉ dưỡng, sân golf… với tổng mức đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Đây là các điểm đến dễ thu hút khách du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết thêm, CHK Đồng Hới có thiết kế 400 ngàn khách/năm, tuy nhiên hiện nay đã bắt đầu quá tải. Việc nâng cấp, mở rộng sân bay này thực sự cấp thiết vì với tốc độ tăng trưởng 30% hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa là sẽ quá tải.
Đáng lưu ý, theo ông Hoài, mặt bằng, diện tích đất để mở rộng sân bay tương đối thuận lợi. Diện tích của sân bay là 145ha, trong khi tỉnh đã quy hoạch 85ha đất phía đầu đường băng, ngoài ra xung quanh có khoảng 500ha đất do địa phương quản lý.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong bối cảnh đầu các nguồn vốn đầu tư công có hạn, còn nhiều dự án cảng hàng không trọng điểm của cả nước cần ưu tiên như Tân Sơn Nhất, Long Thành… thì việc huy động vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không là việc làm rất đáng hoan nghênh và nhân rộng.
Về lộ trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế quy hoạch mở rộng sân bay Đồng Hới trong vòng 6 tháng tới, để có thể triển khai khởi công ngay vào cuối năm 2018.
Đ.V (Tổng hợp)