Sự việc gây xôn xao dư luận
Khoảng một tuần nay, dân làng La Hà bỗng chứng kiến có hai con rắn xuất hiện trên ngôi mộ đá vô danh (được cho là mộ của một bà ăn mày) trên cánh đồng cồn Bông. Thân rắn lớn bằng ba ngón tay, dài gần một mét, một con to và một con nhỏ hơn.
Người dân địa phương cho biết, nhiều ngày qua, buổi tối rắn chui vào hang, sáng lại bò ra nằm trên ngôi mộ này.
Vụ việc hai con rắn bỗng dưng xuất hiện trên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình đã rộ lên nhiều đồn đoán.
Sau đó người dân bản địa và một số dân địa phương khác kéo đến rất đông để quay phim, chụp hình thắp hương cầu khấn, thoa vào đầu, lưng rắn để xin phước lành.
Mặc dù cảnh tượng đông đúc ồn ào nhưng 2 con rắn này vẫn trườn trên ngôi mộ chứ không rời đi.
Thậm chí, nhiều người còn đến thắp hương, dâng cúng với số tiền tính khá lớn. Được biết, người dân đặt cả hòm công đức để quyên góp xây cho "bà ăn mày" một cái đền thờ.
Xem thêm >>> "Mưa tiền", trèo rào, chen lấn trong lễ khai ấn đền Trần Nam Định
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho rằng, chuyện tâm linh này là người dân tự phát nên xã gặp khó khăn trong việc quản lý và xử lý. Hiện, xã yêu cầu công an địa phương giữ trật tự và giao ban công tác mặt trận thôn La Hà lập tổ quản lý kiểm soát cả tiền dâng cúng, công bố công khai cho người dân.
Theo ông Trọng, UBND xã Quảng Văn đã báo cáo tình hình cho phòng Văn hóa thông tin UBND TX.Ba Đồn để có chỉ đạo phù hợp, tránh tình trạng mê tín dị đoan xảy ra trên địa bàn.
Giải mã chuyện "rắn thần": Chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên
Theo ghi nhận thực tế, ngôi mộ nằm cạnh bờ sông Gianh, tiếp giáp với thôn Minh Trường (làng Cồn Vượn, xã Quảng Minh). Ông Hoàng Văn Hiếu, 82 tuổi, ở thôn Minh Trường cho biết, ngôi mộ này của một bà ăn mày từ rất lâu rồi.
Bố ông Hiếu và một vài người nữa trong làng đã chôn cất bà. Nhiều người dân buôn bán qua đây hay những người đi rú trầm, những sĩ tử trước lúc đến trường thi thường thắp hương, đắp thêm cho bà vài hòn đất, hòn đá bởi họ truyền tai nhau về sự linh thiêng của ngôi mộ.
Ông Hoàng Văn Thực ở thôn Minh Trường cho biết, cách đây hai chục năm, họ hàng bà ăn mày ở làng Thọ Hạ (xã Quảng Sơn) đến đây đào bới tìm hài cốt nhưng không thấy. Anh Mai Văn Chương người làng La Hà đã về xây cho bà ngôi mộ và dựng am thờ. Mỗi người đến thắp hương thường mang theo hòn đá đặt lên cho mộ cao thêm.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Lê Hùng Phi - Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Quảng Bình, nguyên Giám đốc sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tượng rắn bò trên ngôi mộ không có ý nghĩa gì về mặt văn hóa tâm linh mà chỉ là một hiện tượng ngẫu nhiên. Người dân đến đây cúng vái thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng dân gian thờ các con vật mà họ cho là linh thiêng, huyền bí.
“Tuy nhiên chính quyền địa phương cần quản lý để không diễn biến thành mê tín dị đoan” – ông Phi nói.
Giải thích kỹ hơn về hiện tượng này, Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên đại học Huế, cho hay: Tín ngưỡng thờ cúng các linh vật là một tín ngưỡng dân gian của người Việt, xuất hiện từ thời nguyên thủy.
“Do nhận thức hạn chế, không giải thích được nhiều hiện tượng tự nhiên, nên con người thời đó thường thờ thần cây, thần rắn, thần lửa… để mong được che chở về mặt tinh thần. Đến nay, tín ngưỡng đó vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, thể hiện ở việc vái lạy hai con rắn trên ngôi mộ vừa rồi” – TS Thái phân tích.
Ông Thái cũng cho rằng hai con rắn đó trong tự nhiên chỉ là rắn nước, trẻ con vẫn chơi đùa, cứ chỗ nào có hang hốc, đất mềm thì nó leo lên nằm. Do đó, đây chỉ là một hiện tượng tự nhiên không bao hàm yếu tố tâm linh gì cả.
Xem thêm >>> Còn cá thần, rắn thánh: Đừng mơ cách mạng 4.0!