Triển khai quyết liệt chống khai thác IUU
Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản: Hoàn thiện khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Từ đó đến nay, EC đã có 4 lần kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam (EC chủ yếu kiểm tra tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau). Dự kiến vào tháng 10/2024, EC tổ chức thanh tra lần thứ 5.
Việc chống khai thác IUU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để gỡ thẻ vàng của một quốc gia chứ không phải gỡ riêng cho từng tỉnh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã thực hiện rất tốt nhóm khuyến nghị số 1 và 3 nhóm còn lại thực hiện cao hơn mặt bằng chung cả nước.
Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý, UBND tỉnh đã ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản và được rà soát thường xuyên theo quy định để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của chống khai thác IUU của tỉnh, phù hợp khuyến nghị của EC. Ngoài ra, Tỉnh còn ban hành chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân.
Về công tác quản lý tàu cá, kiểm soát hoạt động tàu cá, toàn tỉnh có 3.969 tàu cá thực tế 6m trở lên. Các chỉ tiêu thực hiện của tỉnh đều cao hơn mức trung bình cả nước như: có 3.948 tàu đã đăng ký/3.969 tàu hiện có, đạt 99,5 %; 1.190 tàu đã thực hiện đăng kiểm/1.448 tàu hiện có, đạt 82,2%; 3.671 tàu cá còn hạn giấy phép/3.969 tàu hiện có, đạt 92,5%; đã hoàn thành việc đánh dấu tàu cá; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 97,7%.
Từ tháng 4 đến nay, đã cấp đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho 746 tàu cá "3 không" (không đăng kiểm, không đăng ký, không cấp phép), còn lại 21 tàu đang triển khai thực hiện các thủ tục để được cấp hồ sơ.
Đối với các tàu cá "3 không" và tàu cá quá hạn đăng kiểm, quá hạn giấy phép, chưa lắp VMS đã được cơ quan chức năng lập danh sách, giao cho cấp xã theo dõi, giám sát và kiên quyết không cho hoạt động khi chưa khắc phục.
Theo ông Tuấn, đến nay, tại Quảng Bình chưa phát hiện tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài bắt giữ, xử lý. Việc giám sát thủy sản khai thác đã được triển khai thực hiện ở tất cả cảng cá loại 2, loại 3 và các bến cá, chợ cá và các điểm bốc dỡ thủy sản khác, nên tỉ lệ giám sát thủy sản khai thác tăng lên 14,0% (giám sát được 6.935/ 49.432 tấn).
Địa phương cũng đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT, đến nay đã có 173 lượt tàu thực hiện việc xuất cảng, nhập cảng trên hệ thống.
Các lực lượng chức năng địa phương tổ chức đợt cao điểm về tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác thủy sản, khai thác IUU. Kết quả đã xử lý 42 tàu cá vi phạm, phạt hơn 300 triệu đồng, các vi phạm chủ yếu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, viết không đúng, không đủ nhật ký khai thác, tàng trữ kích điện khai thác thủy sản…
Vẫn còn những tồn tại trong chống khai thác IUU
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình quá trình chống khai thác IUU tại Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn 21 tàu cá 3 không, 258 tàu cá quá hạn đăng kiểm, 297 tàu cá quá hạn giấy phép khai thác thủy sản; một số tàu cá vi phạm về sai tuyến, ghi không đúng nhật ký khai thác, không có bằng cấp, chứng chỉ lén lút hoạt động
Lý giải về những nguyên nhân còn tồn tại một số hạn chế trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Quốc Tuấn cho biết: "Ý thức chấp hành pháp luật của một số ngư dân còn thấp, không thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản; nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả, thiếu lao động đi biển dẫn đến cho tàu nằm bờ; chủ tàu tự ý chuyển đổi nghề sang nghề cấm (lưới kéo) dẫn đến không thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép được.
Bên cạnh đó, cơ sở hậu cần nghề cá của tỉnh vẫn còn khó khăn, chưa đủ nguồn lực đầu tư (như: Cảng cá, nhà máy chế biến thủy sản, cửa luồng ra vào cho tàu cá...) Nhân dân cần có thời gian để thay đổi thói quen khai thác và để Luật Thủy sản đi vào cuộc sống. Năng lực của cơ quan chức năng thực thi pháp luật trên biển chưa cao, nhất là về con người, phương tiện chưa đầy đủ".
Trên cơ sở đó, để chống khai thác IUU hiệu quả, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đón Đoàn thanh tra EC lần 5 sắp tới, tỉnh Quảng Bình đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: Địa phương đã thành lập Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản, nhưng hiện nay, chưa có quy định thẩm quyền xử phạt của kiểm ngư địa phương; trang cấp hoặc đề xuất Chính phủ trang cấp cho tỉnh tàu kiểm ngư công suất 1.000CV và trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; có hướng dẫn về việc xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động trong công tác chuyển đổi sinh kế của ngư dân; triển khai, nhân rộng việc thực hiện ký kết hợp tác với các quốc gia có nguồn lợi hải sản lớn và có quy định hướng dẫn để đưa tàu Việt Nam đi khai thác hải sản hợp pháp ở nước ngoài…