Ngày 16/4, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) về sự việc ngôi chùa cổ Quan Âm có niên đại hơn 200 năm, vừa qua bị chính quyền xã này tự ý phá dỡ để xây mới khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép.
Theo ông Hồ Đăng Chiến, tháng 9/2017, UBND xã Đức Trạch đã có tờ trình xin chủ trương trùng tu Quan Âm Tự với tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa. Trong tờ trình, các hạng mục trùng tu, tôn tạo gồm: Gia cố kết cấu chịu lực, trùng tu phần mái, tường và nền của chính điện ngôi chùa; trùng tu Cổng Tam Quan và lát nền, tháo dỡ các hạng mục phát sinh ảnh hưởng đến mặt tiền chính điện.
Chủ trương này cũng đã được Sở Văn hóa – Thông tin và Sở Kế hoạch đầu tư Quảng Bình trình lên UBND tỉnh xem xét. Ngay sau đó, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý chủ trương và yêu cầu các cấp, đơn vị thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục chùa Quan Âm theo đúng quy định.
Tuy nhiên, ngày 4/4 (19/2 âm lịch) vừa qua, UBND xã Đức Trạch đã tự ý cho phá dỡ hoàn toàn phần chính điện di tích Quan Âm Tự để xây mới hoàn toàn, mặc dù các thủ tục xây dựng chưa hoàn thành. Trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch thừa nhận: “Đúng là chúng tôi đã sai trong khâu quản lý, chưa có đủ thủ tục và quyết định văn bản đã vội cho thi công. Tuy nhiên, việc tôn tạo, xây dựng chùa là vấn đề tâm linh nên rất khó cho chính quyền địa phương”.
Theo ông Chiến, về vấn đề trùng tu ngôi chùa, ban trị sự chùa đã đặt vấn đề hơn 3 năm nay. Ngay khi biết tỉnh đồng ý chủ trương thì các phật tử cùng ban trị sự chùa muốn khởi công vào ngày Phật Quan Âm (19/2 âm lịch) và hoàn thành trước Lễ Vu Lan vào tháng 7 Âm lịch. Trước áp lực đó, chính quyền đành cho phép khởi công theo đúng ý nguyện của người dân.
Giải thích về việc phá dỡ hoàn toàn phần chính điện ngôi chùa, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho hay, ban đầu chính quyền xã xin gia cố kết cấu chịu lực, trùng tu phần mái, tường và nền chính điện của Quan Âm Tự, không phải xây mới hoàn toàn. Nhưng qua khảo sát thực tế, các hạng mục như trụ móng bằng gạch, tường xây bằng vôi đã xuống cấp nặng. Nếu trùng tu, làm lại mái dựa trên kết cấu cũ rất khó, thậm chí còn nguy hiểm sau này nếu thiết kế không phù hợp.
“Thiếu sót của chính quyền xã là không báo cáo kịp thời sự việc này lên cấp trên. Còn không có chuyện chúng tôi muốn phá vỡ di tích, mà thực tế là muốn làm lại sao cho khang trang, kiên cố hơn theo ý nguyện của dân thôi”, ông Chiến phân trần.
Liên quan tới sự việc trên, ông Hoàng Văn Dự (79 tuổi), đại diện ban trị sự chùa Quan Âm cũng cho biết: "Sau khi được sự nhất trí của nhiều người dân cùng ban trị sự chùa, đã quyết định lấy ngày 19/2 âm lịch để khởi công, vì làm chùa không phải muốn khởi công khi nào cũng được, vì vậy xã đành theo ý người dân, chứ ban đầu xã cũng không muốn làm trái quy định".
Ngoài ra, ông Dự cũng cho biết, mặc dù có thông báo về việc được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo của tỉnh Quảng Bình vào năm 2000, nhưng gần 20 năm nay, ngôi chùa này vẫn chưa được trao bằng hay chứng nhận là di tích. Duy nhất chỉ có một tấm bia di tích được dựng trước cổng vào chùa.
Được biết, Quan Âm là ngôi chùa có niên đại lâu đời “ngự” tại một ngọn đồi sát biển thuộc thôn Đức Trung , xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Chùa được xây dựng sơ khai vào năm 1802, và đã trải qua 3 lần trùng tu trước đó vào năm 1843, 1991 và 2003.
Vào năm 2000, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định công nhận Quan Âm Tự là Di tích kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo. theo đó, Quan Âm tự là di tích văn hóa quý giá của tỉnh Quảng Bình, được khoanh vùng bảo vệ, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Quan Âm Tự là nơi cất giấu vũ khí, nơi trú ngụ cho cán bộ, bộ đội. Trải qua những trận “mưa bom” của chiến tranh, ngôi chùa đã bị tàn phá nặng nề. Những năm trở lại đây, ngôi chùa cổ được lợp bằng mái tôn này càng trở nên sập xệ, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập trước thời tiết khắc nghiệt. Trước hiện trạng đó, ban Trị sự chùa cùng các phật tử đã quyên góp tiền công đức, mong muốn xây dựng, tôn tạo lại ngôi chùa khang trang hơn.
Theo ghi nhận của PV chiều 16/4, phần móng của ngôi chùa này cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên đang phải tạm dừng thi công vì UBND xã đã vi phạm quy định xây dựng, trùng tu khu di tích này.
Hải Long