Quảng cáo của Mì Gấu đỏ nhân văn hay giả tạo?

Quảng cáo của Mì Gấu đỏ nhân văn hay giả tạo?

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Câu chuyện Mì Gấu đỏ bán hàng trên lòng trắc ẩn của cộng đồng, dùng diễn viên đóng thế để lấy nước mắt khán giả đã gây nên những tranh cãi trái chiều trong dư luận...

Hàng triệu khán giả truyền hình đã rớt nước mắt khi xem hình ảnh bé Tuấn bị ung thư phải rời bệnh viện vì không có tiền chữa bệnh trong clip quảng cáo mì Gấu đỏ. Dường như, ai cũng nghĩ rằng đó là một cậu bé có hoàn cảnh vô cùng khó khăn đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Không lâu, sau khi thông điệp “Gấu đỏ - Gắn kết yêu thương” được truyền đi, hàng chục cuộc điện thoại đã gọi đến cho đơn vị quảng cáo mong muốn được đóng góp một phần giúp đỡ chữa bệnh cho Tuấn.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tuấn chỉ là diễn viên hóa thân vào nhân vật ấy. Không ít khán giả có lòng hảo tâm đã bị sốc, cho rằng đã bị mì Gấu đỏ lừa dối. Nhà sản xuất đã dựng lên một hình ảnh không có thật để lấy đi nước mắt và chạm vào lòng trắc ẩn của công chúng để mang lại doanh thu.

Xã hội - Quảng cáo của Mì Gấu đỏ nhân văn hay giả tạo?

Quảng cáo gây tranh cãi của mì Gấu Đỏ

Dư luận cho rằng, khoản tiền được trích ra giúp đỡ các trẻ em bị bệnh hiểm nghèo từ việc mua mỗi gói mì chỉ mang tính chất tượng trưng, nói cho vui. Theo họ, việc đóng góp 10 đồng khi mua một gói mì không mang nhiều giá trị từ thiện. Mỗi người phải mất gần 3 năm, ăn 1000 gói mì thì mới có 10.000 đồng để cho các em. Nhiều người băn khoăn tự hỏi, với đà đóng góp ấy, đến bao giờ các bệnh nhi mới có đủ kinh phí để chữa bệnh.

Trái ngược với những phản bác trên, một số quan điểm cho lại cho rằng, thực tế, mì Gấu đỏ đã rất thành công khi sử dụng chiến lược quảng bá hình ảnh với thông điệp mạnh mẽ. Đơn vị này cũng không hề vi phạm bất cứ một điều khoản nào liên quan đến quy định quảng cáo trên truyền hình.

Đến nay, sau nhiều ngày phát sóng, đoạn clip vẫn là vấn đề gây tranh cãi trên khắp các mặt báo, diễn đàn. Có ý kiến cho rằng, quảng cáo như vậy là nhân văn, khơi gợi lòng yêu thương của con người. Nhưng cũng có ý kiến khẳng định, lòng từ tâm kia chỉ là vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài nhằm trục lợi kinh tế. Thực chất, mì Gấu đỏ thông minh, nhân đạo hay giả danh từ thiện để mang về lãi khủng vẫn là câu chuyện chưa đi đến hồi kết.

Trao đổi với báo Người đưa tin, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Đóng góp của Mì Gấu đỏ cho những em bé mắc bệnh hiểm nghèo là điều có thật và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo tôi, kịch bản quảng cáo này có nhiều điểm không rõ ràng nên đã gây hiểu nhầm cho người xem”. Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương chia sẻ: “Trong kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải gánh chịu hai loại trách nhiệm: trách nhiệm doanh thu và trách nhiệm xã hội. Vấn đề mà khán giả phản ứng đối với đoạn quảng cáo của Mì Gấu đỏ chính là về loại trách nhiệm thứ hai. Trách nhiệm về môi trường nghe nhìn, văn hóa xem đọc của cộng đồng người Việt. Theo tôi, đây là bài học đắt giá khi Mì Gấu đỏ quảng cáo sản phẩm. Lúc này, họ đừng phản ứng trái chiều với dư luận mà nên tỏ ra thiện chí, công khai xin lỗi và phát triển mạnh mẽ quỹ nhân đạo của mình. Như thế, thương hiệu không những sẽ tránh được những ảnh hưởng đáng tiếc mà còn tăng thêm thuận lợi cho hoạt động kinh doanh”.

Một bác sĩ hiện đang công tác tại viện Huyết học truyền máu trung ương (Yên hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Việt Nam hiện có quá nhiều bệnh nhi ung thư. Bởi vậy, sự giúp đỡ nào của các nhà hảo tâm, dù ít hay nhiều đều rất đáng quý. Tuy nhiên, cũng có không ít các nhà hảo tâm rởm, lợi dụng hình ảnh đáng thương của các em nhằm mục đích trục lợi cho riêng mình. Tôi không nhằm ám chỉ Mì Gấu đỏ bởi sự đóng góp của họ là có thật. Nhưng tôi mong họ nên thay đổi cách quảng cáo hiện tại để tránh gây nên những hiểu nhầm đáng tiếc của dư luận”.

Anh Lương Đình Dũng, giám đốc một công ty truyền thông phân tích: “Thực tế, hình thức quảng cáo đi kèm với các hoạt động từ thiện đã được thế giới sử dụng rất nhiều. Ví dụ như một hãng tã lót kêu gọi mọi người mua sản phẩm của họ để trẻ em Châu Phi có thêm nhiều mũi tiêm chủng trong chương trình của Unicef hay một hãng sữa kêu gọi khách hàng sử dụng nhiều sản phẩm để họ thực hiện chương trình hỗ trợ trẻ em đến trường. Xét đến cùng hoạt động kinh doanh nào cũng hướng tới lợi nhuận. Mục đích của mọi chiến lược marketting vẫn là thu hút sự chú ý và kêu gọi mọi người sử dụng sản phẩm của mình. Xét về mặt này, Mì Gấu đỏ đã quá thành công. Và tôi nghĩ, thành công của họ là cơ sở của nhiều dự án nhân đạo xã hội”.

Đào Bích


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.