"Hoa mắt" vì công dụng "tức thì"
Các clip quảng cáo trên truyền hình thường theo một kịch bản giống nhau đến phản cảm. Mở đầu, thường là hình ảnh người bệnh bị đau đầu, đau bụng, đau đại tràng, ho rũ rượi, hen suyễn, biếng ăn, cảm cúm, đau nhức các khớp xương...
Sau một hồi quằn quại, vật vã, nhăn nhó với nhiều dáng vẻ khác nhau, họ cùng uống thuốc. Thuốc thì vẫn đang trong miệng, người bệnh đã cười nói với vẻ mặt hớn hở, mãn nguyện chẳng khác nào tiên dược.
Quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) mặc dù đã được mào đầu bằng câu: "Đây không phải là sản phẩm thay thế thuốc chữa bệnh" nhưng mô típ cũng giống y các quảng cáo về thuốc.
Quảng cáo về hồng sâm, cao linh chi, sâm tẩm mật ong của Hàn Quốc cũng mở đầu bằng hình ảnh các cụ già tập dưỡng sinh than bị bệnh của người già, xương nhức mỏi, lão hóa sớm. Nhưng vừa đưa một chút sâm mỏng vào miệng chắc chắn chưa kịp nuốt, đã thấy cụ bà mặt mũi tươi tỉnh, sảng khoái ngay?!
Các loại tảo xoắn Spirulina, cốm bổ mắt Kid eye, gạo nứt Huyết Rồng cũng được quảng cáo là có công dụng chữa nhiều loại bệnh như ung thư, lão hóa, các tật bệnh về mắt… Nhưng có công dụng chữa khỏi bệnh hay chỉ có tác dụng bổ trợ và phòng ngừa thì nhà sản xuất lại cố tình ẩn đi. Chỉ còn lại ấn tượng đối với người xem là thuốc chưa qua cổ họng, người bệnh đã khỏe mạnh, hết đau đớn ngay.
Thực tế, mọi loại thuốc hay TPCN đều được cảnh báo là "con dao hai lưỡi". Người bị bệnh cần phải thông qua ý kiến của bác sĩ điều trị xem sản phẩm cụ thể có phù hợp với cơ địa của mình hay có nguy cơ gây ra các trường hợp sốc phản vệ không, hãy dùng.
Đáng lưu ý là các quảng cáo chỉ nêu toàn ưu điểm của thuốc khiến nhiều người coi việc dùng thuốc trở nên quá bình thường, ai cũng có thể mua về tự uống với liều dùng càng nhiều càng tốt.
Các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng đều có công dụng… "tức thì". (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) cho biết: "Công tác quản lý TPCN thời gian qua còn nhiều bất cập. Nổi cộm là tình trạng kinh doanh đa cấp, lôi kéo nhiều người, thành phần tham gia tạo ra những kênh phân phối bát nháo, thậm chí lừa đảo.
Với hình thức đa cấp, các "đại lý" dụ dỗ tuyên truyền người khác bằng cách thổi phồng công hiệu sản phẩm trị cả ung thư, HIV, trong khi có những sản phẩm ăn vào chẳng khác gì ăn khoai, sắn. Nhiều nơi quảng cáo sâm Hàn Quốc, Đông Trùng hạ thảo chất lượng "trên trời" nên nhiều người không biết đâu là thật, đâu là giả".
Thừa nhận vai trò, chức năng của TPCN trong hỗ trợ sức khỏe, nhưng PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế) khẳng định: "Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, còn quy chế của bộ Y tế là quy chế kê đơn thuốc. Cho nên thuốc thì phải quản lý theo kê đơn thuốc, không nhầm lẫn được".
Người tiêu dùng chịu thiệt
Theo quy định của bộ Thông Tin - Truyền Thông, các quảng cáo hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra về chất lượng hoặc thuộc danh mục bắt buộc phải có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa. Nhưng việc quy trách nhiệm hay xử phạt các đơn vị sản xuất, lưu hành các đoạn quảng cáo sai cũng rất khó.
Ông Đỗ Gia Phan, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, đối với các kênh quảng cáo trên tivi, Hiệp hội cũng đã có ý kiến trực tiếp với các đài truyền hình về các quảng cáo sản phẩm khác xa với công dụng thực tế, gây hậu quả xấu cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhưng đa số các kênh bán hàng trên các đài truyền hình đều cho rằng họ chỉ là trung gian môi giới, quảng cáo các loại mặt hàng này chứ không phải là nhà cung cấp. Do vậy, họ không chịu trách nhiệm về những khiếu nại trên. Nhà đài cho rằng, họ có những khó khăn riêng.
Đài truyền hình không phải là cơ quan chuyên môn để kiểm tra chất lượng của từng sản phẩm được bán qua sóng truyền hình và chỉ có thể đánh giá hàng hóa dựa trên tính hợp pháp của sản phẩm như: Xuất xứ hàng hóa, chứng nhận chất lượng, đăng ký kinh doanh của đơn vị bán.
Riêng đối với quảng cáo thuốc chữa bệnh cũng đã có nhiều văn bản quy định cụ thể. Trong đó, quảng cáo phải nêu cả ưu điểm và tác dụng phụ của thuốc, nhưng nhà sản xuất, kinh doanh thường nhấn mạnh về ưu điểm và đưa thông tin về tác dụng phụ rất mờ nhạt. Tuy nhiên, chế tài xử phạt các quảng cáo sai hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Theo thống kê 10 tháng đầu năm 2012, cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận được 1.011 hồ sơ đăng ký quảng cáo TPCN, tuy nhiên có tới 90% hồ sơ "có vấn đề", bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung sao cho đúng với tác dụng của sản phẩm.
Còn đối với người tiêu dùng, trong trường hợp mua phải thực phẩm hỏng hay chịu hậu quả của việc sử dụng thuốc bừa bãi cũng ngại khiếu kiện do tâm lý "chờ được vạ thì má đã sưng" nên những quảng cáo có công dụng "tức thì" vẫn thừa "đất sống".
Mới đây, bộ Y tế vừa có công văn số 5719/BYT-PC gửi bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị điều chỉnh, kiểm soát nội dung quảng cáo đối với TPCN và một số mặt hàng dịch vụ y tế khác.
Theo bộ Y tế, không phải thuốc nào cũng được phép quảng cáo, do đó, Bộ này đề nghị thuốc được quảng cáo là thuốc có số đăng ký tại Việt Nam còn hiệu lực, có hoạt chất thuộc danh mục hoạt chất được phép quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình do bộ Y tế ban hành.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng bộ Y tế nêu rõ: "Nếu doanh nghiệp nói sản phẩm tốt nhưng ảnh hưởng đến người bệnh thì xử lý nghiêm".
Ngân Giang- Thanh Phong