Theo kế hoạch, live show của Quang Hà diễn ra tối 28-29/9 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Đêm nhạc này ngoài chủ nhân Quang Hà còn gồm nghệ sĩ Hoài Linh, Đan Trường, Tuấn Ngọc.
Tuy nhiên, địa điểm tổ chức chương trình xảy ra hỏa hoạn, dẫn đến việc Quang Hà phải hủy liveshow vào phút chót. Đại diện nam ca sĩ cho biết đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng cho liveshow này, chưa kể chi phí phát sinh.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Hà Trọng Đại – Công ty Luật The Light (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Cụ thể, thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định.
Còn thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Luật sư Đại cho biết, việc chứng minh thiệt hại của Quang Hà có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Và như vậy Quang Hà sẽ được bồi thường.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Trong trường hợp này, cần phải xem xét hợp đồng và các điều khoản thỏa thuận giữa ca sĩ Quang Hà và Cung văn hóa Việt Xô. Nếu Cung văn hóa nhận trách nhiệm dàn dựng sân khấu, âm thanh ánh sáng... mà trong quá trình thi công, thực hiện xảy ra cháy, gây tổn hại đến quyền lợi của Quang Hà thì phía Cung văn hóa Việt Xô phải có trách nhiệm bồi thường 100% thiệt hại cho phía ca sĩ Quang Hà.
Nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời (theo điều 585 Bộ luật dân sự 2015). Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại, các bên có thể khởi kiện ra tòa án cấp có thẩm quyền để giải quyết.
Trong trường hợp thỏa thuận quy định phía Quang Hà thi công, dàn dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng mà trong quá trình thực hiện có lỗi để xảy ra cháy thì Cung văn hóa Việt xô có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại những tổn thất do sự việc cháy gây ra.
Luật sư Đại nói thêm về phần khán giả đã mua vé: Việc mua vé và trả một khoản tiền nhất định để được hưởng một quyền lợi đã thỏa thuận (ghi trên tấm vé về ngày giờ, địa điểm, ca sĩ..).
Vì bất cứ một lí do gì (ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, lũ lụt, chiến tranh) thì phía Quang Hà có trách nhiệm tổ chức một đêm diễn khác ngang bằng (nếu có sự thỏa thuận, đồng ý của khán giả) hoặc phải trả lại toàn bộ tiền vé và các chi phí cho việc mua vé (nếu khán giả chứng minh được).