Bài học nhãn tiền
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam đã từng sản sinh ra rất nhiều cầu thủ giỏi, kỹ thuật tốt và cũng đã từng có những cầu thủ rời xa quê hương để thử sức ở một môi trường mới, một nền bóng đá mới.
Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng có thể thi đấu thành công trong những tháng ngày bôn ba ấy. Nhiều người trước khi đi đã nhận được sự kỳ vọng từ NHM bóng đá nước nhà là sẽ gặt hái được nhiều thành công để trở về cống hiến cho quê hương thế nhưng, những kỳ vọng ấy của NHM đã tan thành bọt nước khi những cầu thủ con cưng được xuất ngoại và thi đấu ở nước ngoài không thể hiện được mình và trở về nước không lâu sau đó.
Trường hợp đầu tiên phải kể đến tiền đạo vang danh một thời Lê Huỳnh Đức khi anh được thi đấu cho CLB Lifan thuộc giải vô địch Trung Quốc vào năm 2001.
Trong khoảng thời gian 4 tháng thi đấu tại Trung Quốc, Huỳnh Đức không thể hiện được mình và hầu như không được ra sân thi đấu. Anh chỉ mỏi mòn trên băng ghế dự bị và cố gắng tập luyện để có thể được vào sân nhưng không thành.
Chỉ sau 4 tháng ngắn ngủi trên đất Trung Hoa, Huỳnh Đức đã trở về nước và đã tìm lại chính mình trong màu áo CLB Đà Nẵng. Anh liên tục ghi những bàn thắng quan trọng giúp Đà Nẵng bay cao trên bảng xếp hạng.
Việc Huỳnh Đức sang CLB Lifan (Trung Quốc) chỉ là quân bài chiến lược để đội bóng đến từ Trung Quốc quảng bá, đánh bóng tên tuổi của mình.
Sau một vài năm, bóng đá Việt Nam lại có những cầu thủ được ra nước ngoài thi đấu như trung vệ Lương Trung Tuấn sang CLB Cảng Thái Lan chơi bóng vào năm 2005, Nguyễn Hữu Thắng của Bình Dương cũng được đưa sang CLB LA Galaxy (Mỹ) để thử việc nhưng thất bại năm 2008.
Thế nhưng, ngoài trường hợp của Nguyễn Hữu Thắng thì những người còn lại đều dính phải nghi án bán độ hay đang bị treo giò buộc phải sang nước ngoài thi đấu nhằm giữ phong độ.
Tính ra, kể từ khi Huỳnh Đức đặt viên gạch đầu tiên cho việc bóng đá Việt Nam có cầu thủ được thi đấu ở nước ngoài thì chỉ có trường hợp duy nhất được coi là thành công, đó là trường hợp của tiền đạo Lê Công Vinh.
Sau bàn thắng quý hơn vàng ở trận chung kết AFF 2008 giúp Việt Nam lần đầu tiên giành Cúp sau hơn nửa thập kỷ chờ đợi, Lê Công Vinh được HLV trưởng của ĐTQG lúc bấy giờ là HLV Calisto giới thiệu sang chơi bóng cho CLB Leixoes, Bồ Đào Nha, quê hương HLV Calisto.
Đây là vinh dự lớn lao của bóng đá nước nhà khi lần đầu tiên trong lịch sử, một cầu thủ Việt Nam được chơi bóng tại châu Âu.
Ở quê nhà, NHM bóng đá Việt Nam luôn theo dõi từng bước đi của cựu cầu thủ CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) tại trời Âu nhưng những gì NHM nhận lại được chỉ là những tin tức không mấy khả quan của anh khi Công Vinh liên tục phải ngồi dự bị và về nước không lâu sau đó.
Mọi chuyện chỉ khởi sắc hơn khi Công Vinh về nước thi đấu ấn tượng tại V. League trong màu áo SLNA và lọt vào mắt xanh của CLB Consodale Sapporo (Nhật Bản).
Tại đây, anh được thi đấu 9 trận, trong đó 5 trận được đá chính ngay từ đầu và ghi được 2 bàn thắng. NHM lại mộng mơ trước viễn cảnh Công Vinh được thi đấu nhiều hơn khi CLB Consodale Sapporo muốn tiếp tục được mượn, hoặc có thể mua đứt anh thì chính anh và CLB chủ quản SLNA lại từ chối.
Gần đây nhất bóng đá Việt Nam có cầu thủ xuất ngoại đó là trường hợp của bộ 3 HAGL Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường khi lần lượt được các CLB của Nhật Bản và Hàn Quốc mời về thi đấu sau những gì đã thể hiện tại những giải đấu trẻ.
Cuối năm 2015, Công Phượng được mang cho mượn đến đội bóng Nhật Bản Mito HollyHock (J.League 2), và gần như ngay sau đó, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh cũng được cho mượn đến Yokohama (cũng ở J.League 2).
Thế nhưng, trong suốt quãng thời gian bên Nhật, hai cầu thủ đầy triển vọng của bóng đá nước nhà gần như không được ra sân. Tại đây, các anh được CLB chủ quản phong tặng danh hiệu đại sứ và liên tục đi quảng bá hình ảnh đất nước Việt-Nhật.
Công Phượng phải làm bạn với ghế dự bị tại Mito HollyHock quá lâu khiến anh bị áp lực về tâm lý nặng nề. Hệ quả mang lại chính là Công Phượng không còn là chính mình khi trở về thi đấu trong màu áo các cấp độ ĐTQG.
Còn Tuấn Anh cũng vậy, anh liên tục gặp chấn thương và cũng về nước sau một thời gian chơi bóng tại CLB Yokohama.
Tương tự là trường hợp của Xuân Trường được chuyển nhượng đến CLB của Hàn Quốc là Incheon Utd và sau đó cho mượn đến Gangwon FC. Xuân Trường chơi bóng ở Hàn Quốc đến 2 năm và có nhiều lần đá chính lẫn vào sân từ ghế dự bị.
Tuy vậy, anh cũng không được thi đấu thường xuyên vì mất thời gian dài để thích nghi. Lối chơi thiên về thể lực ở Hàn Quốc phần nào cũng gây trở ngại cho Xuân Trường.
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định
Từ những trường hợp nêu trên, có thể thấy rằng xuất ngoại không đồng nghĩa với việc thành công sẽ đến với mọi cầu thủ.
Đối với Quang Hải, một cầu thủ vô cùng triển vọng của bóng đá nước nhà trong những năm gần đây thì việc xuất ngoại cần được anh và CLB Hà Nội suy tính cẩn thận.
Cụ thể, sau VCK U23 châu Á và ASIAD 2018 thành công ngoài mong đợi, anh được khá nhiều CLB để mắt đến như CLB Renofa Yamaguchi (Nhật Bản), Bangkok Glass và SCG Muangthong United (Thái Lan) hay Al Sadd SC (Qatar).
Mới nghe qua thì NHM bóng đá nước nhà lại sướng rơn khi cầu thủ con cưng của mình được mài dũa ở một môi trường bóng đá đỉnh cao nhưng nhìn vào những Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường thì Quang Hải liệu có thành công?
Nếu xuất ngoại thì chắc chắn Quang Hải sẽ có được kinh nghiệm để ứng phó với những áp lực từ dư luận hay truyền thông nhưng không được thi đấu trong khoảng thời gian dài thì anh sẽ không còn là chính mình.
Nếu xuất ngoại và được thi đấu thường xuyên thì anh sẽ gặt hái cho mình vô số những điều bổ ích cả trong và ngoài sân cỏ. Nhưng nếu phải ngồi dự bị thì có lẽ NHM không muốn Quang Hải sang thi đấu ở nước ngoài bởi trong năm nay, bóng đá Việt Nam có rất nhiều sự kiện lớn như AFF cup hay SEA Games.
Quang Hải nếu sang nước ngoài nhưng không được thi đấu chắc chắn sẽ khiến anh mất dần phong độ và rất có thể sẽ phải chịu những chỉ trích từ truyền thông. Chưa nói tới những khó khăn mà anh sẽ phải đối mặt với rất nhiều rào cản như ngôn ngữ, ẩm thực, thời tiết cũng như giáo án tập luyện. Liệu với một cầu thủ tuổi đời còn quá trẻ như Quang Hải, những rào cản kia anh có thể vượt qua hay không.
Quang Hải là tài năng thực thụ của bóng đá Việt Nam với cái chân trái cực phẩm đã không ít lần vẽ những đường cong tuyệt đẹp vào lưới đối phương ở những giải đấu lớn. Ở CLB Hà Nội hay ở bất cứ cấp độ ĐTQG nào thì Quang Hải vẫn là nhân tố đặc biệt có thể gây ra nhiều đột biến.
Vậy nên, NHM bóng đá nước nhà luôn hy vọng Quang Hải có một quyết định đúng đắn nhất để có thể giữ vững được phong độ và ghi thật nhiều bàn thắng giúp Việt Nam gặt hái được thành công.