Vào rạng sáng ngày 4/1 (giờ Việt Nam), người nhà và đồng nghiệp đã tổ chức lễ viếng nhạc sĩ Lam Phương tại chùa Huệ Quang (Mỹ). Theo thông tin trên cáo phó, gia đình sẽ làm lễ nhập quan, lễ thăm viếng và cầu nguyện từ 11 giờ đến 19 giờ.
Dựa vào livestream có thể thấy rất đông người hâm mộ đã đến tiễn biệt cố nghệ sĩ. Người thân đã được phát tang và đứng lặng người bên quan tài người quá cố.
Đặc biệt, tại Việt Nam, NS Hoài Linh cũng theo dõi những diễn biến trong tang lễ và nói lời vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa. Từng có cơ hội gặp gỡ và hợp tác cùng NS Lam Phương, Phạm Quỳnh Anh xót xa khi chia sẻ lại loạt ảnh trong chuyến thăm nhà cố nghệ sĩ vào năm 2018. Ca sĩ Quang Lê cũng có những tâm trạng riêng khi nhạc sĩ Lam Phương ra đi.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ca sĩ Quang Lê cho hay: “Khi nghe tin chú qua đời, tôi buồn lắm. Khi còn sống, chú Lam Phương được vợ chồng cô em gái tên Bảy chăm sóc. Cô Bảy ở với chú từ bên Pháp, khi chú bị tai biến ở Mỹ, hai vợ chồng cũng qua đó để chăm chú.
Cuộc đời của chú trải qua nhiều thăng trầm, chú lấy người vợ đầu là cô Túy Hồng. Cô ấy tên thật là Trương Ánh Tuyết, là kịch sĩ nổi tiếng, từng tham gia ban kịch nói Dân Nam. Thời điểm này, cô được nhạc sĩ Lam Phương hướng dẫn thanh nhạc vì phát hiện có tố chất. Cả hai nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân năm 1959, lúc này Túy Hồng mới 19 tuổi. Hai con gái của họ lần lượt chào đời mang tên Ánh Hằng và Ánh Loan. Chính gia đình hạnh phúc này đã giúp ông có cảm hứng sáng tác bài Ngày hạnh phúc. Sau năm 1975, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sang Mỹ định cư. Điều đáng buồn là sau 20 năm chung sống, cuộc hôn nhân của chú chính thức đổ vỡ. Sau khi chia tay vợ đầu, chú đã sáng tác bài Lầm. Vì bài hát này, cô Túy Hồng đã giận chú 20 năm”.
“Có lần Quang Lê đi diễn cùng chú Lam Phương, Lê ngồi ở khách sạn và ngồi hỏi chú về những câu chuyện riêng tư, xem câu chuyện giận hờn này có đúng không, hay chỉ là thông tin ngoài luồng thì chú bảo là đúng hết. Cả chuyện chú từng trách vợ cũ ở câu “Anh đã lầm đưa em sang đây, để đêm ngày nghe tiếng thở dài”, hay “Ta say trời đất cùng say, ta yêu vì yêu lầm người”. Trong bài Xin thời gian qua mau, có câu đắt giá là: “Tám mùa đông cây rừng khô trụi lá” vì khi chia tay vợ đầu, ông cũng đau khổ nhiều lắm.
Vợ hai của chú là cô Hường, cô ấy là hoa khôi của thời ấy. Thời đó, chú rời Mỹ sang Paris, chú tưởng tình mình đã chết nhưng chú đã gặp cô Hường, và chú đã viết bài Tình vẫn chưa yên. Rồi khi chú Lam Phương và cô Hường yêu nhau, vẫn có những sự bàn tán về mối quan hệ của 2 người, chú đã viết bài hát Mùa thu yêu đương, trong đó có câu: “Đường vào Paris có lắm nụ hồng, có tiếng thì thầm nhưng anh chẳng cần, mình sống cho nhau”… ý là ông đáp lại những lời đồn to nhỏ về chuyện tình của mình. Chú Lam Phương rất yêu cô Hường, chú viết nhiều bản tình ca cho cô. Cách đây mấy năm cô đã qua đời vị bệnh ung thư” – Quang Lê kể lại với PV.
Quang Lê tâm sự thêm: “Những ngày tháng cuối đời, chú Lam Phương sống trong êm ấm. Ông luôn đau đáu việc cuối đời về Việt Nam sống nhưng do sức khỏe nên ông chưa về được. Thời gian gần đây, rất nhiều đơn vị tổ chức nghệ thuật muốn mời ông về Việt Nam nhưng khi đó, ông đã ngồi xe lăn nên việc di chuyển rất khó. Chú được em gái và em rể chăm sóc chu đáo từ miếng ăn đến giấc ngủ. Ở tuổi 83, chú đã sống trọn một kiếp người”.
Một số hình ảnh tang lễ của nhạc sĩ Lam Phương bên Mỹ: