Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống đưa tin, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, trưa ngày 25/5 tại Đà Nẵng, người dân lại ghi nhận được hiện tượng quầng Mặt trời đẹp kỳ thú. Nhiều người đã đăng tải lên các mạng xã hội và thu hút nhiều bình luận.
TS Huy dự báo chiều tối nay hoặc ngày mai, khu vực này và vùng lân cận sẽ có thể xảy ra mưa dông do khối mây đi từ phía Tây di chuyển sang. Năm nay, hiện tượng quầng Mặt trời xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau vào giai đoạn chuyển pha từ El Nino sang ENSO.
Trước đó, vào trưa ngày 21/5, người dân ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh,... đã tận mắt chứng kiến hiện tượng quầng Mặt trời xuất hiện.
Sự xuất hiện của quầng mặt trời ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây, đã nhanh chóng trở thành “cơn sốt” trên mạng xã hội, mang đến sự tò mò, thích thú cho nhiều người về khoảnh khắc hiếm hoi này. Liên quan đến hiện tượng này, theo các nhà khoa học. Mặc dù không phải là hiện tượng hiếm gặp, nhưng sự xuất hiện của nó không tuân theo quy luật nhất định và không liên quan đến các hiện tượng thiên tai. Hiện tượng này rất dễ quan sát trong điều kiện trời trong và không mây.
Theo Tiền phong, hiện tượng quầng Mặt trời hay còn gọi là vầng hào quang xảy ra khi ánh sáng mặt trời bị che chắn bởi các đám mây Cirrostratus (Cs). Loại mây này thường tồn tại ở độ cao trên 6.000m và được cấu tạo bởi những tinh thể đá mỏng, tạo nên hiện tượng mờ nhạt che phủ bầu trời xanh khi ánh nắng xuyên qua. Hào quang có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ các vòng tròn màu trắng hoặc nhiều màu sắc cho tới các cung tròn và điểm sáng trên bầu trời.
Quốc Tiệp (t/h)