Việc vận hành hồ chứa thủy điện không bảo đảm theo quy trình vận hành liên hồ có nguy cơ gây cạn kiệt hồ chứa, không bảo đảm cấp nước an toàn cho hạ du đến cuối mùa cạn, đặc biệt có khả năng gây ra thiếu nước sinh hoạt nếu xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngày 1/4, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Đà Nẵng, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn yêu cầu về việc vận hành các công trình hồ chứa thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 2 và Sông Bung 4.
Theo ông Hà, qua theo dõi, giám sát thông tin, số liệu vận hành của các hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi, Sông Bung 2; Sông Bung 4 thuộc Công ty thủy điện Sông Bung và hồ chứa thủy điện A Vương thuộc Công ty cổ phần thủy điện A Vương, Cục Quản lý tài nguyên nước thấy rằng, đến ngày 28/3, mực nước các hồ chứa đang thấp hơn khoảng mực nước quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Đồng thời, công ty phải phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, độ mặn tại cửa lấy nước Nhà máy nước Cầu Đỏ đảm bảo việc cấp nước an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của các địa phương ở hạ du, đặc biệt là cấp nước cho Tp.Đà Nẵng.
Liên quan vấn đề này, ngày 23/3, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Đà Nẵng gửi văn bản đến Cục Quản lý tài nguyên nước, đề nghị tiếp tục quan tâm, đôn đốc, chỉ đạo chủ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn vận hành đúng quy định, đảm bảo cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn năm 2023.
Theo ông Vinh, căn cứ bản tin dự báo khí hậu của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 4 đến tháng 6/2023, tổng lượng mưa khu vực Tp.Đà Nẵng - Quảng Nam phổ biến thấp hơn từ 5-10% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, lượng mưa khu vực Tp.Đà Nẵng - Quảng Nam có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, thông tin, số liệu dự báo như trên kết hợp với việc các hồ vận hành không bảo đảm theo quy trình vận hành liên hồ có nguy cơ gây cạn kiệt hồ chứa, không bảo đảm cấp nước an toàn cho hạ du đến cuối mùa cạn, đặc biệt có khả năng gây ra thiếu nước sinh hoạt nếu xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
Vì vậy, để bảo đảm cấp nước an toàn cho hạ du từ nay đến cuối mùa cạn năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành hồ theo đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ; điều chỉnh lưu lượng xả, thời gian xả phù hợp nhằm đưa dần mực nước hồ bảo đảm khoảng mực nước quy định của quy trình vận hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến nghị, việc điều chỉnh chế độ vận hành (lưu lượng, thời gian) xả nước xuống hạ du của các hồ được thực hiện cho đến khi mực nước hồ không thấp hơn khoảng mực nước quy định của quy trình.
Đồng thời, theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo; thực hiện tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định.
Bên cạnh đó, lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của hồ chứa; truyền dữ liệu về UBND Tp.Đà Nẵng và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Tp.Đà Nẵng theo đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các chủ hồ thủy điện tổ chức vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả theo đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ; bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn, đầu mùa lũ; chỉ được chào bán điện năng lên thị trường điện theo yêu cầu về thời gian, lưu lượng xả phù hợp với quy định của quy trình.
"Trong trường hợp bất khả kháng, phải đề xuất phương án, báo cáo thêm với UBND Tp.Đà Nẵng để thống nhất phương án điều tiết nước cho hạ du nếu xảy ra sự cố mà không thể vận hành hồ theo quy định của quy trình", ông Vinh đề nghị.