Ngày 30/11, tin từ HĐND tỉnh Quảng Nam, các đại biểu HĐND tỉnh này vừa tiến hành thông qua tờ trình về việc bố trí ngân sách, để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam, số tiền thực hiện việc đóng cửa thủ phủ vàng lớn nhất miền Trung này lên đến 19 tỷ đồng.
Trong đó, công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Do đó, ngân sách của tỉnh Quảng Nam phải chi thêm hơn 12,6 tỷ đồng.
Động thái này của chính quyền Quảng Nam gần là dấu chấm cuối cùng cho thủ phủ vàng này. Câu chuyện vàng Bồng Miêu thời gian qua luôn là tâm điểm theo dõi của dư luận.
Tháng 11/2018, TAND tỉnh Quảng Nam mở Hội nghị chủ nợ công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu. Con số được đưa tại đây khiến nhiều người sững sờ. Cụ thể, ông chủ mỏ vàng này có tới 100 chủ nợ với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Theo kết quả hội nghị, có 14/24 chủ nợ (chiếm hơn 80%), đại diện cho số nợ hơn 209 tỷ đồng biểu quyết tuyên bố phá sản đối với công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu.
Với kết quả này, hội nghị chủ nợ đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản đối với doanh nghiệp này.
Đến tháng 12/2018, TAND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-TBPS tuyên bố phá sản công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu.
Ngược thời gian, tháng 7/1992, công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu được bộ Công Thương cấp phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Thời hạn giấy phép khai thác đến ngày 5/3/2016.
Trải qua ngần ấy thời gian, hiệu quả mà việc khai thác vàng mang lại là không thể phủ nhận; nhưng, cái hệ lụy đi kèm cũng không phải nhỏ.
Từ vấn nạn môi trường ô nhiễm, đến chuyện vàng tặc, vấn đề an ninh trật tự... và sau cùng là bài toán kinh tế, nợ nần...
Tháng 7/2017, bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.
Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gồm các hạng mục như: Khu vực khai thác lộ thiên Hố Gần sẽ xử lý môi trường các hồ nước, trồng cây phủ xanh, trồng cỏ chống trôi lấp, xây dựng rào chắn, biển báo...
Tại khu vực hầm lò Núi Kẽm sẽ xây nhiều lớp tường và bít kín cửa hầm lò chính bằng bê tông có chiều dày 1m (có cốt thép).
Tại 15 cửa lò phụ để thông gió, thoát nước sẽ xây gạch chỉ, bít mạch bằng vữa xi măng, đánh sập các cửa đường lò khai thác trái phép bằng mìn. Tháo dỡ các công trình trên mặt mỏ, san gạt mặt bằng cửa lò, đào hố trồng cây…