Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa qua đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.
Theo đó, mục tiêu đầu tư đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu để phục hồi các khu vực đã khai thác, các bãi thải, đập thải và các công trình phụ trợ khai thác, tuyển và luyện quặng vàng về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.
Diện tích khu vực thực hiện đóng cửa mỏ 368ha. Dự án sẽ thực hiện bịt kín và xây tường chắn cửa lò chính, đánh sập các cửa lò khai thác trái phép; tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, xử lý môi trường; trồng cây, trồng cỏ cải tạo môi trường; giám sát môi trường sau khi kết thúc việc đóng cửa mỏ.
Tổng mức đầu tư gần 19,5 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của doanh nghiệp đã thu hồi vào ngân sách. Thời gian thực hiện từ 2022 đến 2024.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam được giao làm chủ đầu tư dự án; chịu trách nhiệm theo dõi ý kiến của HĐND tỉnh về bổ sung dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh để chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh các thủ tục liên quan của dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Năm 1992, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu, thuộc tập đoàn Besra, được cấp phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực vàng Bồng Miêu. Đến năm 2016, giấy phép hết hạn. Năm 2018, toà án đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này.
Đề án đóng cửa mỏ đã được đơn vị tư vấn do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tiến hành đo đạc, khảo sát thực tế vào tháng 5/2018. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức khảo sát để góp ý điều chỉnh theo hiện trạng vào tháng 8/2021.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp tại mỏ vàng Bồng Miêu đã làm thay đổi hiện trạng, địa hình, chất lượng môi trường tại một số khu vực như hầm lò Núi Kẽm, khu vực đập thải…
Việc khai thác vàng trái phép cũng để lại nhiều hậu quả. Đây là nơi cư trú của nhiều đối tượng tội phạm. Tình trạng tranh giành lãnh địa dẫn đến mất an ninh trật tự.
Thời gian qua, có nhiều trường hợp phu vàng tử vong do đá đè, sập hầm vàng.... Công an cũng nhiều lần truy quét vàng tặc tại đây nhưng không thể dẹp được tình trạng khai thác vàng trái phép.
Trước đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công nghiệp 6666 đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị cho phép công ty chế biến, tận thu quặng tại bãi thải của mỏ vàng Bồng Miêu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đã có nhiều văn bản trả lời: “Trong khi chưa có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản khu vực khai thác vàng Bồng Miêu, mọi hoạt động thu hồi khoáng sản ở bãi thải của mỏ là trái quy định của pháp luật về khoáng sản. Do đó, không có cơ sở để xem xét đề nghị của công ty”.