Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, thời gian gần đây, chùa Cầu, Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam, xuống cấp. Trên thân cầu, nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái và các cột bị mục; một số thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau.
Các dầm cầu hư hỏng được cơ quan quản lý dùng cây gỗ chống đỡ. Kết cấu phần cầu và miếu có độ tách rời vài cm. Nhiều chỗ trên mái bị dột nước mưa, ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình…
Được biết, cách đây khoảng 400 năm, các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng cầu. Sau đó, người Hoa dựng thêm phần chùa nên gọi là chùa Cầu. Năm 1990, chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia. Đây là biểu tượng của khu phố cổ Hội An và đã được 7 lần trùng tu nhưng vẫn đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày 15/1, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, liên quan vấn đề này, địa phương đã có phê duyệt dự án Tu bổ di tích chùa Cầu, Tp.Hội An.
Theo ông Tân, Di tích chùa Cầu là một phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An.
Do đó, việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An và góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao giá trị của di tích.
Tổng mức đầu tư được duyệt hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 13 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng…
Chủ đầu tư dự án là UBND Tp.Hội An. Nguồn vốn đầu tư 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, 50% còn lại từ ngân sách Tp.Hội An. Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án. Thời gian thực hiện từ 2021 đến 2023.
Công tác tu bổ trước tiên là chống đỡ, gia cố cấu kiện có nguy cơ bị phá huỷ. Sau đó, các đơn vị thực hiện tu bổ, gia cố hệ nền, móng, mố, trụ.
Đối với phần thân, đơn vị thi công bơm keo hoặc vữa chống nứt vào các vết nứt trên thân trụ và mũ trụ. Cắt bỏ các dầm thép hỏng, sửa chữa các hư hỏng và xây trám lại mũ trụ, các vị trí đỡ dầm chịu lực,... Xử lý vết nứt bằng bơm keo Epoxy. Tạo nhám bề mặt bằng bàn chải sắt. Vệ sinh bề mặt bằng phun nước áp lực cao và máy mài sử dụng khí áp lực cao.
Phần móng, thực hiện chống đỡ tăng cường ổn định cho trụ, sau đó vệ sinh, nạo vét bùn, hữu cơ, tạp chất dưới chân mố trụ cầu.
Đổ bê tông gia cố móng mố trụ cầu dày 1m xung quanh móng nhằm ổn định móng theo phương ngang, không tác động nguyên bản kết cấu, không ảnh hưởng đến dòng chảy và cảnh quan khi mực nước vị trí thấp nhất.
Nền hai nhịp đầu cầu bảo tồn tối đa các viên đá cũ, bổ sung các viên đá tại các vị trí khiếm khuyết đã được trám vá bằng xi măng.
Đáng lưu ý, việc tu bổ dầm sàn, hệ khung gỗ và hệ mái, những cấu kiện gỗ bị hư hỏng thực hiện biện pháp thay thế, các cấu kiện bị hư hại do mục nát hay khuyết tật gỗ được tu sửa bằng kỹ thuật chắp, vá và nối song song với việc củng cố các mối liên kết các cấu kiện dạng mộng.
Tu sửa lần lượt các cấu kiện gỗ từ cột, xà, hoành, trính, xiên, bộ vì kèo,... cho đến các bức ván, vách, cửa. Đồng thời, thực hiện xử lý bảo quản phòng chống mối, mọt, nấm, mốc cho cấu kiện gỗ.
Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nghệ thuật trên mái, pha tường; lắp đặt hệ thống chống sét; hệ thống phòng cháy chữa cháy; hệ thống camera an ninh, hệ thống âm thanh… và thực hiện xây dựng các công trình phụ trợ.