Quảng Nam: Có thể xử lý hình sự đơn vị “làm lơ” đóng bảo hiểm

Nguyễn Duy Cường

Nguyễn Duy Cường

Thứ 7, 20/07/2024 18:15

Trong 6 tháng đầu năm, tại tỉnh Quảng Nam, số tiền chậm đóng bảo hiểm lên đến hơn 262 tỷ đồng.

Chậm đóng bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng

Mới đây, ông Văn Phú Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn.

Theo ông Quân, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện tương đối đảm bảo theo quy định.

Ông Văn Phú Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam.

Ông Văn Phú Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam.

Quyền lợi của người lao động và đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN được giải quyết nhanh chóng, góp phần ổn định chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt trong tháng 6/2024, số tiền chậm đóng bảo hiểm đã giảm so với tháng trước là hơn 60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng bảo hiểm của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Tính đến hết tháng 6 năm 2024, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm trên toàn tỉnh là hơn 262 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm của khối doanh nghiệp hơn 241 tỷ đồng; số tiền chậm đóng của các đơn vị Hành chính - sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn… hơn 9 tỷ đồng và số tiền chậm đóng BHYT của các đối tượng do Ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hơn 11 tỷ đồng.

Trong tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm trên toàn tỉnh, có 1.171 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng hơn 151 tỷ đồng; trong đó có những đơn vị khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền chậm đóng hơn 38 tỷ đồng.

Riêng đối với những đơn vị, doanh nghiệp còn đang hoạt động có số tiền chậm đóng bảo hiểm từ 100 triệu đồng hoặc số tháng chậm đóng từ 12 tháng trở lên là hơn 137 tỷ đồng.

Có thể chuyển cơ quan điều tra đưa ra xử lý hình sự

Liên quan đến vấn đề chậm đóng bảo hiểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có buổi làm việc với sở, ngành liên quan.

Ông Tuấn đánh giá, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp cùng với các Sở, Ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động và nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ ngành bảo hiểm Quảng Nam tư vấn, tuyên truyền cho người dân về chính sách bảo hiểm.

Cán bộ ngành bảo hiểm Quảng Nam tư vấn, tuyên truyền cho người dân về chính sách bảo hiểm.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, tồn tại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đó là tình hình chậm đóng, chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định định của pháp luật vẫn còn diễn ra và ở mức cao.

Để khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn tỉnh, ông Tuấn đề nghị Bảo hiểm xã hội tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp một cách thường xuyên, ngay từ đầu.

Từ đó, ngành bảo hiểm phân loại, phân nhóm đơn vị để có những giải pháp phù hợp trong công tác đôn đốc thu, thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT…

Đối với nhóm đơn vị có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, thiếu hợp tác, cố tình trốn tránh thì phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với nhóm đơn vị thật sự khó khăn, gặp nhiều nguyên nhân bất khả kháng nhưng có tinh thần hợp tác, cầu thị thì phải động viên, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cam kết lộ trình thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, làm tốt trách nhiệm của mình.

Ngành bảo hiểm tỉnh rà soát, thống kê số tiền mà các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, đặc biệt là tiền lương của người lao động đã được chủ sử dụng lao động trích lại (10,5%) để đóng BHXH, BHYT nhưng chiếm dụng làm việc khác, báo cáo số liệu trên với các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp xử lý tương ứng, phù hợp.

Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì làm việc hoặc tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đối với Thủ trưởng các đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh có tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Đơn vị này cũng làm việc, trao đổi với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp các chế tài áp dụng đối với tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Chủ trì, phối hợp với Hội Luật gia tỉnh hướng dẫn hồ sơ, thực hiện quy trình để chuyển cơ quan điều tra đưa ra xử lý hình sự một số đơn vị chây ỳ, lẩn tránh, không hợp tác.

Công an hướng dẫn hồ sơ khởi tố

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công an tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội trong công tác kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Công an hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, quy trình liên quan đến công tác khởi tố đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.