Những ngày này, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, tỉnh Quảng Nam mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt khu đầu sóng ngọn gió như biển Cửa Đại, phường Cửa Đại, TP.Hội An.
Mưa bão như trút thêm gánh nặng, âu lo cho người dân địa phương khi tuyến kè 28 tỷ đồng đang còn dở dang những công đoạn cuối cùng. Trước đó, tháng 4/2018, tuyến bờ kè bằng bê tông cốt thép cũ nơi đây bị sóng biển tấn công dữ dội, hư hỏng nghiêm trọng.
Đây là tuyến kè cứng kéo dài hơn 700m được UBND TP.Hội An đầu tư xây dựng từ năm 2011. Việc hư hỏng kéo theo mối lo sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu resort triệu đô trên địa bàn. Cùng với đó, tình trạng xâm thực bờ biển có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản của gần 500 hộ dân.
Trước những âu lo này, chính quyền tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp khẩn nhằm nắm bắt chi tiết tình hình cũng như lên phương án sửa chữa tuyến kè bị sạt lở. Trung tâm Trắc địa công trình và địa chính đã liệt kê hàng loạt các nguyên nhân khiến công trình kè cứng liên tục bị sóng biển đánh hư hỏng như, khu vực kè không hội tụ cát, công trình ở vùng mực nước thường xuyên thay đổi dưới tác động của dòng chảy, sóng gió liên tục, môi trường có nhiều tác nhân làm hư hại bê tông…
Tháng 8/2018, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khắc phục, sửa chữa đoạn kè biển Cửa Đại bị sụt lún, hư hỏng với số tiền hơn 28 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, đến thời điểm tháng 11/2018, công tác khắc phục tuyến kè bị sụt lún, hư hỏng cần sửa chữa dài hơn 700m cơ bản đã hoàn thành.
"Đơn vị thi công đang dốc sức hoàn thành dứt điểm những hạng mục nhỏ còn lại nhằm đảm bảo an toàn cho kè cứng Cửa Đại khi mưa bão cận kề. Giờ đây, kè cứng không những được gia cố mà phần kè mềm chắn sóng từ xa cũng hỗ trợ rất tốt cho việc ngăn ngừa sóng biển tấn công", ông Hùng nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày mưa gió này, nhiều công nhân tranh thủ lúc tạnh mưa để hối hả thi công những phần việc còn lại nhằm gấp rút hoàn thành tuyến kè. Đặc biệt, hàng chục đống bê tông phế vụn được đào bóc ra từ tuyến kè cũ cũng được trải dài dọc tuyến bờ kè nhằm góp phần ngăn cản sức công phá của sóng biển.