Chiều 20/4, tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức thử nghiệm, áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội lớp bê tông nhựa để sửa mặt đường hư hỏng xuống cấp đoạn đường tránh TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện áp dụng công nghệ mới trong việc sửa đường.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng tổng tục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo chủ trương của bộ Giao thông Vận tải trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lần đầu tiên tại Quảng Nam thử nghiệm giải pháp cào bóc, tái chế móng cũ và cấp phối bê tông nhựa cải tiến để đại tu nâng cấp tuyến đường siêu tiết kiệm và hiện đại. Dự án này được tổng cục Đường bộ phê duyệt tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, do nhà thầu thi công công ty Cổ phần Hoàng An thực hiện. Dự án sẽ sửa chữa, nâng cấp 2 làn xe thô sơ và cơ giới.
“Thực hiện ứng dụng công nghệ này được xem là bước đột phá về công nghệ, thân thiện với môi trường và đặc biệt phù hợp với điều kiện thời tiết địa chất tại miền Trung”, ông Cường chia sẻ.
Ông Hoàng Quốc Thêm, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Hoàng An chia sẻ, trước đây, áp dụng công nghệ thi công theo cách truyền thống, sau một thời gian mặt đường bong tróc, khi sửa chữa phải vận chuyển đổ vật liệu hỏng. Nếu áp dụng công nghệ mới này thì có thể triệt tiêu những nhược điểm và tái chế lại toàn bộ vật liệu hỏng và thảm lại mặt đường ngay lập tức.
Việc sử dụng công nghệ mới, không mất công đổ vật liệu, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm được tài nguyên như đá cát để đưa về làm lại. Chất lượng đường khi áp dụng công nghệ mới cũng tốt hơn nhiều so với thi công truyền thống vì kết cấu đồng bộ.