Ám ảnh những ngôi làng bị xoá sổ
Những ngày qua, cả nước hướng về xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ở nóc ông Đề, khiến ít nhiều người thương vong.
Nửa tháng trôi qua, người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng vì thảm họa giáng xuống.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Lý, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng cho hay, nóc ông Đề đã tồn tại hơn 40 năm, với địa thế đẹp, phía trước là sông, sau lưng là núi, phù hợp với tập quán, sinh kế người dân vùng núi.
Cô sống ở Trà Leng được 20 năm.
Trước đây, khi đường sá chưa thông thoáng, cô cũng như người dân băng rừng, lội suối để vào các làng ở sâu trong núi ngay cả ban đêm và trời mưa nhưng không chút sợ sệt. Thế nhưng, bây giờ, ban đêm, cô không dám ra khỏi nhà vì sợ lũ quét, sạt lở đất.
Cách không xa nóc Ông Đề là nóc Ông Hiền. Ngày 27/10, chỉ sau cơn lũ quét, dòng sông Xoang vốn hiền lành đã nuốt chửng 4 căn nhà. Bờ sông giờ là hố sâu. Chị Hồ Thị Nhất đứng trên nền bê tông thẫn thờ: “Đây từng là nhà của tôi”.
Chị kể, căn nhà ấy là nơi nương náu của 6 nhân mạng. Vào đầu năm, con trai đầu kết hôn và vẫn sống chung. Con dâu chị đang mang thai, dự định, tháng 12 sẽ sinh. Niềm vui chưa kịp thành hình thì căn nhà đã không còn.
Hôm ấy, lũ về, chị chỉ kịp hô hoán cho cả gia đình chạy thoát. Thứ tài sản còn lại là bộ áo quần đang mặc. Người phụ nữ Mơ Nông rầu rĩ: “Nhà đã bị nuốt chửng, không biết con dâu sẽ lót ổ ở đâu?”.
Hàng chục hộ dân tại nóc Ông Hiền lo lắng đất lại tiếp tục sạt lở, những ngôi nhà rồi sẽ bị hà bá nuốt chửng. Những ngày qua, họ phụ nhau tháo dỡ các căn nhà còn sót lại, đợi chính quyền tìm nơi mới để di cư.
Vẫn ở Trà Leng, gần đây nhất, sau cơn bão số 10, làng Tắc Pát, thôn 2, bị lũ quét nhấn chìm 14 ngôi nhà. Hàng chục nhân khẩu phải đến nương nhờ nhà người quen…
Trong khi đó, tại huyện Phước Sơn, các xã Phước Kim, Phước Lộc, Phước Thành cũng gặp tình trạng tương tự. Lũ quét tràn về, vùi nhiều ngôi làng.
Cơn nước dữ đã phá tan 26 căn nhà ở thôn Trà Văn A, xã Phước Sơn. Những mái ấm giờ chỉ trơ trụi vài ba cột bê tông. Ngôi làng giờ trống hoác.
Bà Hồ Thị Phanh kể, trước bão số 9, có nghe dự báo, gió lớn, mưa to. Mọi người trong thôn lo chằng chống nhà cửa. Không ai nghĩ nước lớn tràn vào làng.
Thế nhưng, gió thổi mạnh, nước tràn nhanh. Bà kịp bồng bế mấy đứa con, hô hoán để hàng xóm chạy lên nhà làng. Từ trên nhà làng nhìn xuống, nước cuốn sạch. Những căn nhà còn lại cũng hư hỏng nặng, cát lấp tới mái.
Cũng như các gia đình khác, gia đình bà có 5 người, chẳng thèm lượm nhặt những thứ còn vương vãi, vì không có gì có thể trưng dụng. Bà giăng 1 tấm bạt xanh làm nơi sinh hoạt, nấu ăn. Trong khi đó, nhiều gia đình trong thôn lại lên nhà làng tá túc.
Tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành, hơn 80 hộ dân bị lũ quét, sạt lở vùi lấp, cuốn trôi nhà cửa, khoảng 3.000 người vẫn đang bị cô lập kể từ sau cơn bão số 9.
Ở huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My mùa mưa bão năm nay, tình trạng sạt lở đất rừng cũng trở thành hiểm hoạ.
Nhiều con đường bị sạt lở, hàng nghìn tấn đất đá chắn ngang. Lực lượng chức năng vừa thông đường, mưa lớn lại tiếp tục sạt lở. Nhiều ngôi làng bị cô lập.
Thôn Ganil, xã A Xan, huyện Tây Giang bị đất đá chôn vùi nhiều căn nhà chỉ sau vài giờ địa phương tổ chức sơ tán. Theo thống kê sơ bộ, xã Trà Ka và xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, có 41 hộ bị trôi, sụp đổ nhà cửa do lũ quét, sạt lở…
Chưa năm nào, tình trạng sạt lở đất lại ám ảnh đối với người dân miền núi tỉnh Quảng Nam đến thế.
Vùng di dân cũng có nguy cơ sạt lở
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thừa nhận, bão số 9 gây ra lũ quét, sạt lở xoá sổ nhiều nóc làng lâu đời, ổn định.
Những nơi này, từ trước đến nay không thuộc vùng có nguy cơ sạt lở cao. Hiện, tất cả các đường vào nóc, làng ở các xã vùng cao đều bị sạt lở, với mật độ khoảng 1ha đến 5ha xảy ra 1 điểm sạt lở.
Điều khiến chính quyền địa phương đau đầu là di dân trước mỗi khi có bão. Do dân ở dàn trải, địa bàn rộng nên không thể di dân hết.
Bài toán di dân trước mắt lẫn lâu dài đều rất nan giải. Địa phương này chủ yếu đồi núi, sông suối chằng chịt, không đủ mặt bằng để bố trí các khu dân cư, nhà ở nằm ngoài vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở.
Do đó, vùng di dân chưa chắc là nơi an toàn.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Trà Leng cho biết, những ngày qua, bà cùng ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My cùng các cán bộ phòng Tài nguyên môi trường đi thực tế, tìm kiếm những địa điểm trên địa bàn để lập làng mới cho các hộ dân mất nhà.
Qua khảo sát, có 3 vị trí đang được cân nhắc. 1 vị trí ở xã Trà Dơn và 2 vị trí ở xã Trà Leng. Tất cả những nơi này đều là khu đất mới, rộng lớn, an toàn, đảm bảo nhu cầu hạ tầng giao thông, điện, nước, đất canh tác và hạn chế thấp nhất các nguy cơ liên quan đến thiên tai.
“Việc xây dựng nóc mới để người dân ổn định cuộc sống đang được chúng tôi gấp rút triển khai”, bà Hằng chia sẻ.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam, thông tin, chính quyền địa phương đã nhận ra vấn đề cần di dời người dân miền núi, sống ở dưới chân núi từ lâu và đã tập trung di dời đến các ngôi làng tái định cư nhưng vẫn chưa hết.
Việc di dân này đã có hẳn nghị quyết riêng với nội dung ưu tiên nguồn lực, bố trí các dự án di dân, đưa dân ra khỏi rừng, vùng sạt lở đất, để dân định cư lâu dài, an toàn.
Đến nay, có ½ tổng số 13.000 hộ dân nằm trong diện di dời đã đến nơi ở mới. Tây Giang là địa phương làm tốt nhất.
Điều khó khăn là các huyện miền núi thiếu quỹ đất, địa hình phần lớn có độ dốc. Dự kiến muộn nhất, đến 2025, tất cả người dân sẽ được di dời, rời khỏi nơi sống gần sông suối, chân núi…
Riêng những hộ dân đang chịu nhiều hậu quả của lở núi, lũ quét thời gian qua, chính quyền địa phương lo ổn định, gầy dựng lại cuộc sống. Làng mới sẽ được lập.
Nguồn lực xã hội được vận động. Đến nay, nhiều đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp đã chung tay với chính quyền để giúp người dân gặp nạn xây nhà, lập làng mới như Vingroup, Thaco…
Đối với các cháu bé đã mồ côi cha mẹ cũng có các cá nhân, đơn vị đỡ đầu, chăm lo cuộc sống, học hành trong tương lai. “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bù đắp phần nào mất mát cho những người còn lại”, ông Cường nói.
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, nếu không quyết tâm di dân từ núi ra làng thì chắc chắn, những ngày qua, vùng miền núi này số người chết rất lớn.
Việc di dân phải được làm khéo léo. Sau khi tìm được mặt bằng, cán bộ phải đến thuyết phục già làng. Già làng sẽ khuyên người dân. Dân chịu, già làng sẽ dẫn họ đến nơi ở mới.
Chính quyền chọn phương án, lập làng kiểu mẫu, cho người dân ra ở trước. Khi thấy đảm bảo an toàn, tiện lợi, người dân kéo thêm người dân khác đến sống, tạo nên hiệu ứng dây chuyền.
Theo ông Bhling Mia, quan trọng trong việc tìm mặt bằng cho việc di dân là nơi có độ dốc nhỏ, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh thiên tai, gần nguồn nước sinh hoạt, gần khu sản xuất, chăn nuôi…
Nơi đó cũng cần thuận tiện giao thông, có quỹ đất để dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng học mầm non…