Ngày 13/11, theo báo cáo của sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến đầu tháng 11, trên địa bàn có gần 2.500 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong 3 tháng gần đây, số ca bệnh tăng nhanh. Những nơi có người mắc bệnh nhiều là TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Thăng Bình, huyện Phú Ninh… Thị xã Điện Bàn là địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết cao nhất với gần 1.300 ca. Ở tất cả các xã tại địa phương này đều có người mắc sốt xuất huyết.
Theo ghi nhận, xã miền biển Duy Hải, huyện Duy Xuyên những ngày qua trở thành một trong những “điểm nóng” về sốt xuất huyết. Ông Nguyễn Trường Chín, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải thừa nhận trên địa bàn, người dân có thói quen ngủ không mắc mùng là điều kiện cho bệnh lây lan nhanh. Nhiều nơi còn các cống rãnh thiếu nắp đậy… tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi.
Cũng theo ông Chín, những ngày qua, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức giúp người dân tăng cường kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng chống bệnh. Ngoài ra, cán bộ tại trạm y tế xã trực tiếp đến từng thôn, xóm hướng dẫn người dân cách vệ sinh, phòng chống bệnh. Việc phun hóa chất tại khu dân cư cũng được chú trọng.
Tại huyện Phú Ninh, mặc dù chính quyền địa phương làm khá tốt công tác tuyên truyền như diệt bọ gậy, ngủ có màn, cách ly người bệnh… Thế nhưng, tình trạng số người bị sốt xuất huyết vẫn không ngừng tăng. Đại diện địa phương cho rằng, Phú Ninh là khu vực thấp trũng, dân cư đông, kèm theo thời tiết những ngày qua diễn biến phức tạp nên muỗi phát sinh nhiều…
Điều đáng nói, huyện vùng núi Tây Giang từ trước đến nay chưa từng xuất hiện sốt xuất huyết thì năm nay số ca mắc bệnh khá nhiều. Đến nay, đã có hơn 80 người mắc căn bệnh này. Ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại xã A Tiêng.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc trung tâm Y tế huyện Tây Giang chia sẻ: “Trong hơn 30 năm công tác tại Tây Giang, đây là lần đầu tiên tôi thấy nơi này có người mắc sốt xuất huyết. Do lần đầu tiên có người mắc sốt xuất huyết nên người dân chủ quan, tạo điều kiện cho bệnh lây lan nhanh.
Đến nay, chúng tôi đã xây dựng phương án chủ động phòng chống dịch bệnh. Trung tâm cũng mời các bác sĩ tuyến trên về tổ chức tập huấn việc chẩn đoán, điều trị, giám sát bệnh nhân, côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng…”.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mùa mưa, nghi ngờ dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát, lãnh đạo sở Y tế tỉnh đã tiến hành thực địa, làm việc với lãnh đạo các địa phương. Sở Y tế đặc biệt chú ý đến những địa phương là “điểm nóng” sốt xuất huyết vào năm ngoái.
Sở Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị sớm làm sao để hạn chế tình trạng bệnh bị chuyển nặng. Trong thời gian đến, sở Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo, giám sát các đơn vị trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các địa bàn trọng điểm, các dịch bệnh có thể tăng cao trong mùa mưa bão sắp đến.