Trường Hải, Nam Hội An, thủy điện và đất vẫn là nguồn thu chính
Ngày 8/6, thông tin từ Cục thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, Cục đã có kết quả thực hiện công tác thuế 5 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, năm 2024, Bộ Tài chính giao Cục Thuế tỉnh Quảng Nam thu 19.605 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 20.100 tỷ đồng, trong đó, thu tiền sử dụng đất 2.700 tỷ đồng và thu từ hoạt động xổ số 100 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 30/5, Cục thuế tỉnh đã thu được 8.600 tỷ đồng, đạt 42,9% dự toán, bằng 98,3% so với cùng kỳ. Tổng thu loại trừ tiền sử dụng đất, xổ số 8.177 tỷ đồng, đạt 47,3% dự toán và tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 4 nguồn thu chính. Tập đoàn Trường Hải nộp ngân sách 4.376 tỷ đồng, đạt 43,8% dự toán, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Các thủy điện đã nộp 521 tỷ đồng, đạt 44,9% dự toán, bằng 73,2% cùng kỳ,
Nhà máy bia đã nộp 64 tỷ đồng, đạt 11,3% dự toán, bằng 14% cùng kỳ.
Tiền sử dụng đất thu được 372 tỷ đồng, đạt 13,8% dự toán, bằng 37% cùng kỳ.
Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều đảm bảo tiến độ dự toán. Tuy nhiên, thu từ bia đạt thấp và thu từ tiền sử dụng đất chỉ đạt 13,8% dự toán.
Mặc dù vậy, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam vẫn ước thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm được 10.122 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, bằng 99,6% so với cùng kỳ. Tổng thu loại trừ tiền sử dụng đất, xổ số được 9.535 tỷ đồng, đạt 55,1% dự toán và tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Ước thu cả năm 2024 được 20.200 tỷ đồng, đạt 100,5% dự toán và bằng 93,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ước thu từ ô tô dịch vụ được 9.500 tỷ đông, từ bia được 170 tỷ đồng, từ Nam Hội An được 470 tỷ đồng và từ thủy điện được 1.160 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phía Cục Thuế nhận định, ngay từ đầu năm, toàn ngành đã áp dụng khẩn trương, quyết liệt các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp có nợ lớn, kéo dài, rủi ro cao.
Cục Thuế Quảng Nam đã ban hành cưỡng chế 888 trường hợp với tổng số tiền cưỡng chế 1.152 tỷ đồng. Kết quả, tổng số tiền thuế nợ thu được bằng biện pháp cưỡng chế đến tháng 5/2024 là 61,2 tỷ đồng.
Trong đó, trích tiền từ tài khoản ngân hàng 563 lượt, số tiền cưỡng chế là 471 tỷ đồng. Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 290 lượt, số tiền cưỡng chế là 676 tỷ đồng. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 33 trường hợp, số tiền cưỡng chế 3 tỷ đồng. Thu tiền và tài sản qua người thứ ba 2 lượt, số tiền cưỡng chế là 1,3 tỷ đồng.
Tổng nợ ước tính đến 31/5 là 2.875 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,75% so với thời điểm tháng 4 và tăng 365,7 tỷ đồng, tương ứng 14,6% so với thời điểm cuối năm 2023.
Trong đó, nợ có khả năng thu 2.707 tỷ đồng, bao gồm nợ các khoản thu từ đất là 1.630 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng số nợ.
Đề nghị thu hồi dự án có ý định đầu cơ, chiếm giữ chờ đất tăng giá
Nguyên nhân tăng nợ thuế tại Quảng Nam là do ngoài các khoản nợ tiền sử dụng đất cao thì phát sinh nợ thuế giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ kê khai thuế tháng 4/2024. Riêng tháng 5, nợ từ các khoản thu từ đất giảm 104 tỷ đồng.
Công tác thu ngân sách hụt sâu nguồn thu từ bia; các dự án khai thác quỹ đất chậm đấu giá cấp quyền sử dụng đất, tình hình bất động sản đóng băng, các dự án không chuyển nhượng được, nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất lớn dẫn đến nguồn thu này không đảm bảo tiến độ dự toán.
Công tác thu hồi nợ thuế cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các khoản nợ tiền sử dụng đất, kéo dài nhiều năm và các công ty có nợ thuế lớn nhưng gặp khó khăn về tài chính không có khả năng nộp thuế.
Việc đẩy mạnh nộp thuế điện tử qua ứng dụng EtaxMobile còn khó khăn khi một số ngân hàng thương mại yêu cầu mức phí cho mỗi lần giao dịch còn khá cao, gây khó khăn cho người nộp thuế khi thực hiện nộp thuế điện tử như Ngân hàng Sacombank…
Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh với cơ quan Thuế và giữa cơ quan Thuế với các Ngân hàng thương mại còn hạn chế, chưa được kịp thời…
Từ những khó khăn trên, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam có kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Hội đồng thẩm định giá đất, các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh Ban hành Quyế định phê duyệt giá đất cụ thể đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Đồng thời kiến nghị chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai và hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay tại các Ngân hàng để thực hiện các dự án tiếp theo.
Đối với những dự án mới được phê duyệt cho các doanh nghiệp không có năng lực tài chính, có ý định đầu cơ, chiếm giữ, sở hữu đất chờ tăng giá… thì đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi ngay để làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Chỉ đạo UBND các cấp huyện tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác quyết toán, xác nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được khấu trừ để thực hiện việc ghi thu – ghi chi ngân sách nhà nước kịp thời.
UBND tỉnh có kế hoạch làm việc với Nhà máy bia Heineken để nắm tình hình kinh doanh, kế hoạch sản xuất, những khó khăn để tháo gỡ, động viên nhà máy tăng sản lượng, tiêu thụ. Đồng thời, đơn vị này chỉ đạo các ngành phối hợp cùng với ngành thuế tháo gỡ vướng mắc để thu tiền sử dụng đất còn nợ đến nay hơn 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần thực hiện phân nhóm dự án để áp dụng linh hoạt các giải pháp, nhất là các dự án đã đền bù, giải phóng xong mặt bằng, xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng cần sớm cho gia hạn tiến độ thực hiện dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng có điều kiện nộp thuế…