Trường tiền tỷ bỏ hoang
Đó là ngôi trường mầm non chưa có tên tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Nhìn cả cơ ngơi bạc tỷ chìm trong hoang hóa, ngập đầy cỏ dại, chị Ngô Thị Dương, trú xã Điện Ngọc xót xa. Theo lời chị, do địa bàn có khu công nghiệp lớn nên hàng ngàn công nhân tứ xứ đổ xô về làm việc. Nhớ lại 5 - 7 năm về trước, số công nhân này đa phần toàn gia đình trẻ, ai cũng đèo bòng con cái nên ước mong cho ngôi trường mầm non cho con cái theo học. Bởi lẽ, hệ thống giáo dục địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn này.
Thế rồi, cuối năm 2014, mơ ước của hàng ngàn người trở thành hiện thực. Ngôi trường với quy mô khang trang khởi công xây dựng. Đến năm 2017, trường được khánh thành long trọng trong sự hân hoan, vui mừng của người dân. Ấy vậy mà, sự đời tréo ngoe, ngày khánh thành cũng là ngày mà người ta đếm thời gian ngôi trường bỏ hoang từ đó đến nay.
Theo tài liệu PV báo điện tử Người Đưa Tin thu thập được, đây là cơ sở giáo dục do liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam là chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 6,2 tỷ đồng. Nguồn vốn xây dựng trường đến từ việc kêu gọi tấm lòng vàng quỹ xã hội tình thương và một số do vốn đối ứng của chủ đầu tư.
Mức độ khang trang và quy mô của ngôi trường này gấp nhiều lần các công trường tương tự ở các huyện xã, có thể sánh ngang với ngôi trường mầm non ở thành phố. Công trình chia làm hai giai đoạn thi công. Tổng cộng, trường có 7 phòng học, các bếp ăn, phòng hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ khác.
"Hai vợ chồng mình đều làm công nhân khu công nghiệp. Nói ra thì buồn chứ lương chẳng đủ tiêu qua ngày. Vợ chồng chắt bóp để có tiền cho 2 đứa con nhỏ gửi ở mầm non tư thục. Hồi đó, khi họ xây trường dành con em công nhân, ai cũng mừng. Nhưng mãi không thấy họ nhận trẻ. Thế rồi, bỏ hoang mấy năm nay", chị Dương ngậm ngùi nói.
Theo ghi nhận của PV, trải qua 2 năm im lìm, ngôi trường khang trang đã bắt đầu xuống cấp. Tiền tỷ đổ xuống, nhưng giờ cỏ dại mọc um tùm, phòng ban nhếch nhác, đồ đạc hư hỏng, gỉ sét. Đặc biệt, nhiều đối tượng còn lợi dụng để vào tiêm chích ma túy, ăn nhậu, đổ rác thải.
Không "liệu cơm gắp mắm", trường sẽ vào tay tư nhân?
Vì sao trường tiền tỷ đã có, nhu cầu con em công nhân cần gửi rất nhiều mà trường vẫn bỏ hoang? Ông Lưu Văn Thương, Phó Chủ tịch liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho hay, đơn vị cũng vô cùng đau đầu về vấn đề này.
Vừa qua, liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản báo cáo liên đoàn Lao động Việt Nam về thực trạng này để tìm hướng xử lý. "Nguyên nhân trường chưa hoạt động dù công trình đã khánh thành do bên trong trường vẫn còn "rỗng ruột". Các phòng học, khuôn viên, nhà để xe, công trình vệ sinh đã hoàn thành nhưng chưa có các trang thiết bị dạy học, hệ thống điện cũng như các dụng cụ cần thiết phục vụ việc nhận nuôi dạy trẻ....", ông Thương nói.
Nói thêm về vấn đề này, ông Thương cho rằng, hướng khắc phục hiệu quả nhất là cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào thuê trường. Sau khi thuê, họ sẽ đầu tư các thiết bị còn thiếu rồi hoạt động, nhận trẻ em. Thời hạn thuê bắt buộc ngắn nhất 15 năm.
Trước lo lắng rằng, khi giao trường cho doanh nghiệp, quyền lợi và chế độ của trẻ sẽ không được đảm bảo, lãnh đạo liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây chỉ mới là đề xuất để liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét. Tuy nhiên, nếu thực sự giao trường cho nhà đầu tư, thì cũng phải cam kết bảo vệ nguyên trạng công trình trường học, không tự ý tháo dỡ, đập bỏ hay xây dựng thêm bất kỳ hạng mục nào. Ngoài ra, phải đảm bảo quyền lợi cho con công nhân lao động, học phí phải thấp hơn so với các trường mầm non ngoài công lập.
Trao đổi với PV, một chuyên gia giáo dục tại TP.Đà Nẵng bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc ngôi trường đầu tư tiền tỷ rồi bỏ hoang vì lý do "rỗng ruột", thiếu các thiết bị dạy học.... Theo vị này, câu trả lời này rất khó chấp nhận được, bởi ngay từ cái tên đã cho thấy mục đích xây dựng công trình là để phục vụ việc dạy học, chăm sóc trẻ. Do đó, khi đã thiết kế, thi công thì tiên quyết phải đảm bảo đủ để nhận trẻ, dạy học.
"Anh không "liệu cơm gắp mắm", xây trường to thế này, hoành tráng thế kia để rồi cuối cùng chỉ là vẻ bề ngoài. Ngay từ khi xây dựng đã phải tính toán, cân bằng vốn sao cho hợp lý để hoàn thiện đủ các hạng mục luôn. Ở đây, vốn do nguồn hỗ trợ của quỹ kêu gọi tấm lòng vàng thì chủ đầu tư càng cần phải làm sao cho tốt, không phụ sự kỳ vọng khi người ta ủng hộ tiền bạc...", vị này nói thêm.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!