Theo đó, ông Quang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn trong công tác thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản và thẩm định, phê duyệt, xác nhận trữ lượng khoáng sản đối với các hồ sơ báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh.
Đồng thời, các đơn vị nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, tính đúng, tính đủ chi phí ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ vị trí, sản lượng khoáng sản khai thác, công suất khai thác, trữ lượng khoáng sản được phép khai thác của các đơn vị chủ mỏ khoáng sản sau khi được cấp giấy phép khai thác theo quy định; kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý, trong đó có vị trí, ranh giới khu vực khai thác; sản lượng, công suất khai thác, trữ lượng được phép khai thác; hóa đơn, chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm….
Phòng Tài nguyên xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn địa phương và đề xuất, kiến nghị.
UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đặc biệt là hoạt động khai thác vàng, cát, sỏi lòng sông, khai thác đất, đá trái phép trên địa bàn quản lý…”, ông Quang yêu cầu.